Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2025 đạt 3,95 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 3/2025 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý đầu năm đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất ở thị trường Ấn Độ với mức tăng 95,9% và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 45,1%.

Ảnh minh họa: Internet
Thời gian qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, ngành gỗ đang phải đối mặt với những thách thức lớn như ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, căng thẳng chính trị quốc,… đặt ra yêu cầu phải có chiến lược ứng phó kịp thời.
Tại cuộc họp diễn ra mới đây với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin, ngành gỗ phải trang bị tư duy mới để thích ứng với những khó khăn trước mắt. Trước mắt, doanh nghiệp vẫn giữ vững bình tĩnh, đồng thời đặt niềm tin vào nỗ lực đàm phán của Chính phủ. Về dài hạn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tài chính, tài khóa tiền tệ như đã từng áp dụng thời COVID: hoãn nợ, giãn thuế, giảm tiềm thuê đất… để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngành lâm nghiệp và kiểm lâm đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2025 đạt 18 tỷ USD, hướng đến 25 tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển gắn với tăng trưởng xanh, 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.
Các nghị định, thông tư, quy định đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành đầy đủ để phù hợp với các quy định của quốc tế đối với gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển gắn với tăng trưởng xanh, phát thải thấp, bảo vệ môi trường...
Hiện, các doanh nghiệp ngành gỗ chủ động để thích ứng trước các chính sách, cơ chế mà các nước nhập khẩu đưa ra như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); quy định chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Huyền My (t/h)
Quý III/2025 sẽ là thời điểm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lên đến đỉnh, tạo sức ép lớn lên dòng tiền của các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt trong bối cảnh môi trường tín dụng thận trọng và tiêu chuẩn phát hành ngày càng siết chặt.