5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Nga
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Nga, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam và Nga đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, hiện đang ở mức khoảng 1 tỷ USD/năm.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa từ Nga với giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Mặt hàng nhập khẩu từ Nga chủ yếu là phân bón, kim loại, linh kiện, phụ tùng ô tô, lúa mì, than, thủy sản, cao su, dược phẩm...
Cụ thể, nhập khẩu phân bón từ Nga tăng tới 372% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, từ mức 32 triệu USD lên 152 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2024. Lượng phân bón nhập khẩu cũng tăng từ 60.617 tấn lên 335.581 tấn, tương ứng gấp 5,5 lần.
Kim loại thường khác là mặt hàng có tăng trưởng lớn thứ hai về kim ngạch với mức tăng 100% so với cùng kỳ năm trước, đạt 18 triệu USD. Lượng nhập khẩu kim loại thường khác cũng cao gấp 2 lần, lên mức 7.158 tấn.
Đứng sau là linh kiện, phụ tùng ô tô khi tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,7 triệu USD; hóa chất tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, đạt 37,7 triệu USD… Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 13,9 triệu USD để nhập lúa mì từ thị trường này, cùng kỳ năm trước không ghi nhận số liệu.
Đáng chú ý, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga là than cũng tăng 96% về lượng, đạt 2,4 triệu tấn; từ đó kéo kim ngạch nhập khẩu than lên mức 471 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Nga là một trong 7 thị trường chính cung cấp than nhập khẩu cho Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng than nhập khẩu từ Nga chiếm gần 9% tổng lượng than nhập khẩu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, hàng thủy sản nhập từ Nga giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, còn 47 triệu USD; cao su giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,8 triệu USD; dược phẩm giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 13,5 triệu USD…
Một số mặt hàng kim ngạch nhỏ nhưng có mức giảm sâu như: Sắt thép giảm 91% so với cùng kỳ năm trước, dây điện và dây cáp điện giảm 77% so với cùng kỳ năm trước, ô tô giảm 45% so với cùng kỳ năm trước…
Về kim ngạch, ngoài than và phân bón là hai mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga, Việt Nam còn chi 51 triệu USD nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với 15,8 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép với 14,9 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước…
Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga đạt 331,3 triệu USD, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga các mặt hàng: điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, dệt may và giày dép sang Nga.
Có thể nói quan hệ thương mại giữa hai nước đã đạt được những thành tựu đáng kể và phát huy lợi thế so sánh của mỗi nước. Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Phạm Tuấn Anh, từng cho biết những kết quả đạt được trong những năm gần đây vẫn còn khiêm tốn so với tình hữu nghị và tiềm năng của hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất xanh.
Đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển công nghiệp, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành có công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng tiêu chuẩn ở các nước phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích dự đoán, sự tăng trưởng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.