Cần chính sách đột phá làm điểm tựa cho doanh nghiệp "bay cao"

Doanh nghiệp
08:39 AM 12/10/2024

Việt Nam đã xây dựng được những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song vẫn cần xây dựng chính sách đột phá để hỗ trợ DN "bay cao" và tạo dựng được nhiều doanh nghiệp dẫn đầu hơn nữa.

Luật Doanh nghiệp (DN) ra đời năm 1999, có hiệu lực từ năm 2000 và được sửa đổi vào các năm 2005, 2014 có thể coi là dấu mốc đặc biệt quan trọng, mở ra con đường cho DN được "tự do kinh doanh theo pháp luật". Cùng với đó, hệ thống pháp luật liên quan được điều chỉnh phù hợp cũng góp phần khơi thông điểm nghẽn, nâng cao vai trò của doanh nhân, kích thích tinh thần kinh doanh và tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước thời kỳ sau đổi mới.

Cần chính sách dài hơi để có không gian cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, dẫn dắt nền kinh tế. (Nguồn: TCTC)

Cần chính sách dài hơi để có không gian cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, dẫn dắt nền kinh tế. Nguồn: TCTC

Dấu mốc tiếp theo gắn với sự phát triển nhanh của cộng đồng DN là những năm 2014-2018, khi Chính phủ mạnh tay cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh với thông điệp quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi. Nhờ đó đã góp phần hình thành lực lượng DN đông đảo trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; có mặt ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Một số DN phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), số DN thành lập mới đã đạt hơn 1,88 triệu; số DN thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004.

Xác định DN lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ "khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế".

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) hoàn thiện Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ". Mục tiêu là hình thành lực lượng DN dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ DN và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Song song đó là đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến, chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm được phát triển bởi con người Việt Nam, được làm bởi DN Việt Nam và tại Việt Nam.

Còn theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Về hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh ra nước ngoài, doanh nghiệp rất cần “điểm tựa”, nhất là tại những quốc gia Việt Nam không có đại sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư.

Trong khi đó, cần tập trung sức mạnh toàn dân để “hỗ trợ tinh thần” cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đứng vững được ở thị trường trong nước mới có thể mạnh mẽ vươn ra nước ngoài.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nhận định là một cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt “thể hiện”.

Hiện tại, ít nhất 3 "ông lớn" gồm Hòa Phát, Đèo Cả và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án này, cho thấy “khát khao” khẳng định của doanh nghiệp Việt. Công ty Chứng khoán Yuanta dự đoán, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tập đoàn GELEX, FECON… cũng có khả năng tham gia. 

Các doanh nghiệp kiến nghị thành lập liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ vốn góp chi phối, đồng thời mở rộng cửa cho các đơn vị cơ khí chế tạo trong nước tham gia. Đặc biệt xây dựng chính sách, nguyên tắc ràng buộc ngay từ khi đấu thầu để giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng vật tư, phụ kiện, sản phẩm từng công đoạn.

Để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế, đồng thời kéo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Chính phủ có thể tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa. Họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận