Đầu tư cho khoa học và công nghệ đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới
Làn sóng đầu tư vào các startup trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam bùng nổ với tổng vốn rót vào đạt mức ấn tượng 80 triệu USD vào năm 2024, gấp 8 lần so với con số 10 triệu USD của năm trước đó. Sự tăng trưởng đột phá này cho thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực AI tại Việt Nam.
Theo Báo cáo “Đầu tư đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), BCG và Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) thực hiện, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, nơi đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trở thành trọng tâm trong việc kiến tạo tương lai đất nước. Từ một thị trường mới nổi, Việt Nam nay đã vươn lên trở thành điểm đến chiến lược cho dòng vốn đầu tư công nghệ tại Đông Nam Á, được dẫn dắt bởi khát vọng của cộng đồng doanh nhân và định hướng chiến lược từ Chính phủ.

Động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình này chính là Nghị quyết số 57-NQ/TW, một dấu mốc mang tính định hướng cho sự bứt phá trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cốt lõi để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024. Trong đó, vốn đầu tư vào các công ty AI đã tăng mạnh từ 10 triệu USD vào năm 2023 lên 80 triệu USD vào năm 2024, mức tăng đột phá gấp 8 lần.
Số lượng thương vụ ở cả mảng đầu tư mạo hiểm (VC) và vốn cổ phần tư nhân (PE) vẫn tương đối ổn định. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn duy trì sự quan tâm đối với tiềm năng dài hạn của Việt Nam.
Theo đó, gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm 2024, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Các thương vụ dưới 500.000 USD tăng 73%, cho thấy sức bật trở lại của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đầu tư mạo hiểm ở các vòng gọi vốn giai đoạn đầu tăng trở lại. Trong năm 2024, các giao dịch trị giá 0,5 triệu USD hoặc nhỏ hơn phục hồi, với số lượng giao dịch tăng lên 57 sau đà giảm năm 2023. Giá trị đầu tư ở quy mô từ 3 - 50 triệu USD vẫn ổn định, cho thấy các công ty giai đoạn đầu tiếp tục huy động được vốn.
Dòng vốn duy trì ổn định vào các công ty có quy mô và độ trưởng thành cao. Các thương vụ mua lại chiếm tỷ trọng lớn, với tổng giá trị đạt 1,7 tỷ USD, phản ánh xu hướng ưu tiên của nhà đầu tư dành cho các doanh nghiệp trưởng thành và tạo dòng tiền ổn định. Các thương vụ quy mô trung bình (100 - 300 triệu USD) phục hồi rõ nét, khi tổng vốn đầu tư tăng 2,7 lần lên 700 triệu USD, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần cải thiện đối với các giao dịch quy mô lớn.
Một số công ty khởi nghiệp AI được đánh giá nổi bật của Việt Nam là VinBrain, Eureka Robotics, NamiTech, Earable, Presight, Palexy...
Không chỉ AI, startup trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp cũng chứng kiến mức tăng về nguồn vốn. Tổng đầu tư tư nhân cho các công ty AgriTech Việt tăng gấp 9 lần, từ 8 triệu USD năm 2023 lên 74 triệu USD năm 2024. "Các dự án AgriTech thường liên quan đến nông nghiệp chính xác, số hóa chuỗi cung ứng và mô hình kinh doanh bền vững, nổi bật là Enfarm, Techcoop...
Nhóm ngành công nghệ xanh cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, với 10 thương vụ năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Báo cáo cũng nêu bật nhiều hướng tạo giá trị cho nhà đầu tư, bao gồm: hợp tác với các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước để mở rộng ra khu vực ASEAN; đầu tư vào các startup số giai đoạn đầu, đặc biệt trong AI, tự động hóa và nông nghiệp công nghệ cao; số hóa các ngành truyền thống còn phân mảnh; tập trung vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và logistics bền vững; xây dựng hạ tầng thông minh và dịch vụ công số tại các đô thị cấp hai.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA, Giám đốc Quỹ Do Ventures cho biết, việc hợp tác với các hiệp hội đầu tư mạo hiểm trong khu vực sẽ mở cánh cửa mới cho start-up Việt Nam; đồng thời, thu hút nguồn vốn tư nhân châu Á vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong nước.
An Mai (t/h)
Từ tháng 5/2025, nhiều chính sách về kinh tế có hiệu lực, như: Ban hành quy định mới về phân loại thống kê theo loại hình kinh tế; Bổ sung quy định quản lý kho xăng dầu và điều hành giá bán lẻ; Quy định mới về đặt hàng in, đúc tiền giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ sở trong nước...