Điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN một số nhóm mặt hàng

Chính sách
08:38 AM 26/03/2025

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng nhập khẩu như ô tô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp (đùi gà, cherry, táo).

Thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) là mức thuế suất áp dụng cho các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc điều chỉnh thuế này là một trong các giải pháp nhằm ứng phó trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN một số nhóm mặt hàng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại dự thảo nghị định sửa Nghị định 26/2023 về điều chỉnh thuế suất, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với một số nhóm mặt hàng.

Cụ thể, ô tô thuộc 3 mã hàng HS 8703.23.63, 8703.23.57, 8703.24.51 được đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ mức 64% và 45% về cùng một mức thuế suất là 32%.

Thuế suất nhập khẩu của các mặt hàng khác như ethanol dự kiến giảm từ 10% xuống 5%; đùi gà đông lạnh từ 20% xuống 15%; hạt dẻ cười từ 15% xuống 5%; hạnh nhân từ 10% xuống 5%; quả táo tươi từ 8% xuống 5%; quả anh đào ngọt (cherry) từ 10% xuống 5%; nho khô từ 12% xuống 5%.

Mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc nhóm 44.21, 94.01 và 94.03 có thuế suất 20% và 25% sẽ xuống cùng một mức thuế suất là 5%. Thuế mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%.

Như vậy, với mức thuế nhập khẩu MFN được dự kiến điều chỉnh, nhiều mặt hàng từ thị trường, như Mỹ, sẽ hưởng lợi. Hiện Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện - mức cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao - với 12 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Malaysia, Indonesia và Singapore.

Trừ Mỹ, 11 nước trong số này đã nằm trong các Hiệp định thương mại song, đa phương và Việt Nam là thành viên nên được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Việt Nam - Mỹ ký Hiệp định thương mại song phương từ 2001, nhưng chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) về cắt giảm thuế quan. Do đó, Mỹ vẫn là đối tác chịu mức thuế MFN áp chung cho các quốc gia thành viên WTO.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN với một số mặt hàng là cần thiết, đảm bảo đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam.

Cùng với đó, việc giảm thuế cũng giúp Việt Nam thích ứng linh hoạt với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Việc này còn góp phần cải thiện cán cân thương mại với các đối tác thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hàng nhập khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa.

Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc giảm thuế nhập khẩu với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhà điều hành cũng điều chỉnh thuế nhập khẩu với các mặt hàng có kim ngạch nhập cao. Trong đó, mức thuế suất điều chỉnh không thấp hơn các mức thuế suất của các FTA mà Việt Nam là thành viên.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Doanh nghiệp vận tải biển mở rộng đội tàu, đón cơ hội tăng trưởng Doanh nghiệp vận tải biển mở rộng đội tàu, đón cơ hội tăng trưởng

Sau diễn biến kinh doanh tích cực năm 2024, doanh nghiệp ngành vận tải biển vẫn được đánh giá tích cực trong năm 2025. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng trưởng cao cho năm 2025 và tiếp tục mở rộng đội tàu biển.