Đón “sóng” đầu tư FDI: Thận trọng chọn lọc "đại bàng, chim sẻ"

Đầu tư và Tiếp thị
08:00 AM 01/07/2020

Trong khi chúng ta nói nhiều đến cơ hội và các giải pháp để đón sóng đầu tư FDI thì chuyên gia lưu ý có tình trạng doanh nghiệp FDI “lừa” doanh nghiệp nội...

Doanh nghiệp Việt cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư.

Khẳng định việc phải chọn lọc dòng đầu tư FDI vào Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, việc đón nhận làn sóng dịch chuyển cần thực hiện nghiêm túc bởi nó không hề đơn giản.

Chia sẻ về bài học của Sunhouse, ông Phú cho biết thời gian trước, Tập đoàn có hợp tác với một công ty Hàn Quốc trong đầu tư nhà máy vi mạch. Riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỷ đồng nhưng ông Phú chỉ nắm 49% cổ phần bởi cho rằng bản thân mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên đặt trọn niềm tin vào đối tác.

“Tuy nhiên, thời gian hợp tác cho thấy đối tác cũng không phải là công ty có chuyên môn và tiềm lực. Họ thực hiện dự án với hy vọng có thể vay được vốn của ngân hàng Việt Nam. Song việc ngân hàng từ chối cho vay khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, tôi phải mua lại toàn bộ vốn của đối thủ”, ông Phú chia sẻ.

Dẫu vậy, sóng gió chưa chấm dứt. Khi muốn hợp tác với một doanh nghiệp Việt khác làm mạch điện thoại cho LG, đối tác kiểm tra và phát hiện ra rằng công suất máy trong dây chuyền mà ông Phú nhập từ đối tác Hàn Quốc quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất mạch. "Đó là bài học đau đớn về thu hút đầu tư", ông Phú chia sẻ.

Bổ sung cho quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phú về việc một số doanh nghiệp FDI lừa các doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết ngay cả Nhà nước cũng bị thiệt hại vì một số doanh nghiệp FDI. 

"Họ kê khai máy móc thiết bị cao hơn giá thực, sau đó khấu hao sản phẩm, giảm lợi nhuận để không phải đóng thuế. Đây là một hình thức chuyển giá. Là ma trận mà quốc gia nào khi thu hút FDI phải chú ý. Điều này rất khó, ngay cả ở những quốc gia tiên tiến", ông Toàn nói.

Từ những kinh nghiệm của bản thân, ông Phú cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư bởi thật giả lẫn lộn, thậm chí, giả còn đông gấp nhiều lần thật.

"Một cô gái đẹp sinh ra ở núi rừng, không chủ động tham gia thi hoa hậu thì không ai biết mình đẹp. Việt Nam đang có thuận lợi nhưng ngồi chờ người ta tìm đến mình không dễ. Trên bản đồ thế giới, Việt Nam không phải trung tâm. Chính vì vậy, cần chủ động tìm kiếm, tham gia triển lãm, kết giao với các doanh nghiệp có khả năng thì lúc đó mới phát sinh cơ hội", ông Phú nhấn mạnh. 

Thy Hằng
Ý kiến của bạn
Bình luận
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.