Hà Nội: Chuyển đổi phương tiện giao thông "xanh" là nhiệm vụ cấp thiết
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, việc chuyển đổi phương tiện giao thông "xanh" là nhiệm vụ cấp thiết, cần được các đơn vị triển khai quyết liệt, khẩn trương, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, HĐND và UBND Thành phố.
Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 459/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp nghe báo cáo kiểm điểm tiến độ triển khai các chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan đến việc chuyển đổi phương tiện giao thông “xanh” trên địa bàn.
Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, việc chuyển đổi phương tiện giao thông “xanh” là nhiệm vụ cấp thiết, cần được triển khai quyết liệt, khẩn trương theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, HĐND và UBND Thành phố.

Chuyển đổi phương tiện giao thông "xanh" là nhiệm vụ cấp thiết. Ảnh minh họa: Khánh Huy
UBND thành phố giao Sở Xây dựng rà soát các quy định, tiêu chuẩn pháp luật liên quan; phối hợp với Sở Công Thương thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện xe điện. Phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các xã, phường cập nhật quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống trạm/trụ sạc tại bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, khu vực công cộng.
Sở Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ xây dựng “Đề án chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng xanh”; triển khai hiệu quả Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 28/5/2025 với mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% xe buýt sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
Sở cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, trình UBND Thành phố ban hành trong năm 2025. Cùng với đó là nghiên cứu tổ chức các tuyến mini buýt, sử dụng phương tiện điện trong khu vực vành đai 1, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.
Phó Chủ tịch cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch; hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng; báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2025, làm cơ sở trình HĐND Thành phố trước ngày 30/9/2025.
Về nguồn lực tài chính, Sở Tài chính được giao phối hợp với Sở Xây dựng, Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 1 và các đơn vị liên quan xây dựng quy trình, thủ tục cho vay nhằm giúp doanh nghiệp vận tải và hạ tầng phương tiện “xanh” dễ tiếp cận vốn.
Các sở, ngành và UBND các xã, phường được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong thực hiện kế hoạch chuyển đổi giao thông “xanh”.
Sở Xây dựng, với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác theo Quyết định số 3763/QĐ-UBND ngày 14/7/2025, được giao tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tham mưu đề xuất UBND TP chỉ đạo xử lý kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg với nội dung yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
Theo lộ trình được Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thực hiện, từ ngày 1/7/2026, dừng lưu hành mô tô, xe máy chạy xăng dầu; năm 2028, cấm hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vành đai 1, đồng thời hạn chế ô tô trong vành đai 1 và 2. Từ năm 2030, sẽ xem xét mở rộng áp dụng đến vành đai 3. Để triển khai, Hà Nội sẽ xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể, đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, đặc biệt trong khu vực vành đai 1. Ngoài ra, các khu vực ngoài trung tâm cũng sẽ được khuyến khích tham gia lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Hoàn lưu sau bão số 3 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã và đang để lại hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, vô cùng đau xót đối với nhân dân các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An.