Hà Nội phê duyệt thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công
Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 5390/QĐ-UBND ngày 15/10/2024 về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội".
Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; là đơn vị dự toán cấp 1, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
Trung tâm chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban Nhân dân thành phố; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố; chấp hành chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.
Trung tâm có trụ sở tại địa chỉ số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, cải cách hành chính, tổ chức cơ chế "một cửa, một cửa liên thông". Trung tâm còn là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ số hóa, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, đồng thời thúc đẩy các nhiệm vụ chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công.
Một điểm mới của Trung tâm là hệ thống tiếp nhận và giải quyết TTHC sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cho phép người dân thực hiện thủ tục dễ dàng và tiện lợi. Trung tâm kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giúp giảm đầu mối các bộ phận một cửa, tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC nhanh chóng.
Theo đó, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu đã được cập nhật qua số hóa; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư bảo đảm "3 tăng", "3 giảm", "3 không": Tăng chất lượng dịch vụ, tăng minh bạch, công khai, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, cá nhân; giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không có TTHC giải quyết trễ hạn.
Nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện TTHC đạt tối thiểu 95%, trong đó 100% hồ sơ TTHC được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ...
Bảo đảm tiếp nhận hồ sơ TTHC "phi địa giới hành chính"; tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 5km, hỗ trợ TTHC 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không quá 15 phút/1 hồ sơ...
Trước đó, tại kỳ họp thứ 18, được tổ chức chiều ngày 4/10, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" (giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh). Đồng thời, sẽ giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa" từ 2.768 nhân sự còn 184 người, giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng.
Huyền MyTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.