Hậu Giang trong công cuộc “xanh hóa” đô thị
Hơn 20 năm được tái lập, tỉnh Hậu Giang đã chọn lộ trình không chỉ phát triển trở thành đô thị mà còn định hướng thành đô thị xanh - phát triển bền vững. Đó là nét riêng độc đáo mà chính quyền và nhân dân nơi đây chung tay xây dựng.
Từ những đô thị tiêu chuẩn xanh
Ngày 9/11/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa ký ban hành Quyết định số 1933/QĐ-UBND phê duyệt Dự án "Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang".
Theo đó, dự án sẽ thực hiện năm 2023-2026, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Dự án đầu tư gồm 4 hợp phần: Hợp phần A giảm thiểu rủi ro ngập úng; hợp phần B cải thiện quản lý nước thải và vệ sinh môi trường; hợp phần C cải tạo nâng cấp đô thị và phát triển không gian công cộng và hợp phần D hỗ trợ kỹ thuật.
Tiếp đó, UBND TP. Ngã Bảy ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND về việc xây dựng TP. Ngã Bảy là đô thị loại II đến năm 2030. Mục tiêu kế hoạch, đến năm 2030, thành phố đạt 50/59 tiêu chuẩn đô thị loại II, là đô thị "sáng, xanh, sạch, đẹp"; hướng đến đô thị nghỉ dưỡng, văn minh, hiện đại, là đô thị thông minh với kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…
Một tháng sau, ngày 26/12/2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 2234 chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Cái Côn (Khu vực III, phường Ngã Bảy, TP. Ngã Bảy) có tổng diện tích hơn 667.090 m², tổng mức đầu tư dự kiến 2.024 tỉ đồng. Dự án triển khai trong 60 tháng, kể từ ngày nhà đầu tư nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất.
Hơn 10 năm trước, tháng 9/2010, TP. Vị Thanh được thành lập từ thị xã Vị Thanh và nhanh chóng giữ vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh. Điều đặc biệt là chính quyền Hậu Giang đã xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh, đầu tư các tuyến đường giao thông trọng yếu tại đô thị để khai thác quỹ đất (hai bên đường) có hiệu quả, nhằm gia tăng các nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng các đô thị, khu, cụm công nghiệp, phát triển.
Đây là lộ trình cho thấy Hậu Giang không chỉ phát triển trở thành đô thị mà đã chọn con đường đô thị xanh - phát triển bền vững để đảm bảo được giá trị của một "thành phố bên dòng Xà No". Giữa những đô thị đã vốn được công nghiệp hóa một cách nhanh chóng, phát triển, Hậu Giang vẫn giữ được giá trị riêng, đó chính là nét riêng đặc biệt của địa phương này.
Tháng 12/2019, Vị Thanh lên thành phố loại 2, nổi lên như một điểm đến mới mẻ của vùng miền Tây sông nước khi đã có cho mình một vị trí đắc địa với thế đất đẹp, bao quanh là hệ thống kênh rạch và quốc lộ xuyên thành phố. Nơi đây đã là trung tâm văn hóa của Hậu Giang và ngày nay lại càng có thêm nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng của nó, trở thành mảnh đất an cư với đúng nghĩa của hai chữ "Vị Thanh - Miền đất ngọt lành, thanh lịch", nơi người dân có thể sống bình yên với nền khí hậu mát mẻ, sông nước bao bọc mà vẫn có thể tận hưởng được những tiện nghi của sự phát triển kinh tế mang lại.
Đến quy hoạch tầm nhìn 30 năm
Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành vào cuối tháng 2/2022 đã mở ra cho các tỉnh miền Tây một cánh cửa mới để bắt tay vào công cuộc xây dựng vùng đất này trở thành một trung tâm kinh tế trù phú với đầy đủ cơ hội và tiềm năng.
Cùng với các tỉnh, ngày 12/12, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, TTATXH được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.
Cụ thể, Hậu Giang phát triển 4 vùng kinh tế - xã hội bao gồm: Vùng Trung tâm gồm TP. Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó TP. Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh với các hoạt động đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Vùng Đô thị - Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch; Vùng Công nghiệp - Du lịch sinh thái gồm TP. Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội: công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái và Vùng Đô thị - Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch.
Tuy nhiên, ngay từ đầu những năm 2020, Hậu Giang đã đi đầu trong công tác "xanh hoá" đô thị với mục đích nâng cao nhận thức của nhân dân về môi trường sống. Từ tháng 2/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai đề án Hậu Giang xanh. Qua 3 năm thực hiện đề án đã làm thay đổi thói quen của người dân trong bảo vệ môi trường.
Tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động được 434 tổ thu gom rác, đạt 82,67% trong tổng số ấp, khu vực. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 92,13%, trong đó ở đô thị là 93,60% và ở nông thôn là 91,53%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 91,43%, trong đó ở đô thị 92,21% và ở nông thôn là 91,12%...
Với lộ trình kiên định của chính quyền, kỳ vọng đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Hồng Ân -Văn DươngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.