Kon Tum: Khai mạc Hội thảo sâm Ngọc Linh - định hướng nâng tầm giá trị sâm Việt Nam

Địa phương
02:51 PM 10/12/2024

Sáng ngày 10/12, tại Làng tái định cư Tu Thó, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức "Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn".

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu là doanh nghiệp, hợp tác xã, người trồng sâm Ngọc Linh và các nhà khoa học.

Kon Tum và Quảng Nam, được thiên nhiên ban tặng cho loài sâm Ngọc Linh sâm Việt Nam được Chính phủ xác định là quốc bảo, các nhà khoa học xác định là loại sâm quý của Việt Nam và thế giới. Sau thời gian phục hồi, bảo tồn và phát triển, cây Sâm Việt Nam đã thoát nguy cơ tuyệt chủng, hiện nay tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đến năm 2024 có hơn 2.800 ha. 

Kon Tum: Khai mạc Hội thảo sâm Ngọc Linh - định hướng nâng tầm giá trị sâm Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: Với mục tiêu bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh sâm Việt Nam, phát triển trở thành hàng hóa phục vụ quốc kế dân sinh, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới theo Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong thời gian qua tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Tu Mơ Rông nói riêng đã có Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch để phát triển cây sâm Ngọc Linh cũng như trong công tác chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Cây Sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi 2 nhận thức quan trọng của người dân nơi đây đó là từ tư duy trông chờ ỷ lại sang tư duy chủ động đầu tư phát triển kinh tế mà cụ thể là đầu tư phát triển cây sâm thông qua nguồn vốn tự có, vốn vay với hàng trăm tỷ đồng. 

Thứ 2 là từ tư duy phá rừng sang tư duy trồng rừng để từ đó có hàng trăm ha rừng được người dân trồng mỗi năm, tạo hệ sinh thái bảo vệ vùng đệm của cây sâm gắn với phát triển du lịch; Sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2000 hộ nghèo trong năm năm qua và hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng từ cây sâm; có những làng, xã là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, huyện đang vươn lên khá giả…

Hội thảo sâm Ngọc Linh sẽ tập trung phản ánh về quá trình phát hiện sâm Ngọc Linh; giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh; xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; các giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh; cách phân biệt sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác. Ngoài ra hội thảo cũng đã giải đáp đầy đủ, chi tiết các vấn đề người dân quan tâm như cách phòng trừ bệnh cho cây sâm; phân tích giá trị của cây sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác; biện pháp nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh; áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sâm.

Kon Tum: Khai mạc Hội thảo sâm Ngọc Linh - định hướng nâng tầm giá trị sâm Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ: Đến nay tỉnh Kon Tum đã có khoảng 2.922 ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Tu Mơ Rông với 2.883 ha với khoảng 1.650 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 04 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Cơ sở hạ tầng (như: đường giao thông, hệ thống điện…) đã được quan tâm đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó tỉnh cũng đang triển khai Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông với quy mô khoảng 60 ha, đây sẽ là nơi cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa ra trồng và mở rộng diện tích cho giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo.

Hiện nay, một số sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh của tỉnh đã có thương hiệu trên thị trường như: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng, khai thác, chế biến và phân phối các sản phẩm từ củ, lá Sâm Ngọc Linh cho ra các sản phẩm rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5; Mật ong sâm SK5;… Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum khai thác, chế biến Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm ra các sản phẩm Trà Sâm ngọc linh hòa tan, Collagen sâm ngọc linh, Viên nang mềm Sâm ngọc linh, Rượu sâm ngọc linh…

Để giới thiệu và quảng bá Sâm Ngọc Linh tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành, huyện Tu Mơ Rông tổ chức thành công các phiên chợ để giới thiệu về sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu gắn với du lịch sinh thái. Phiên chợ sâm Ngọc Linh đã tạo sức lan tỏa trên các kênh truyền thông, báo, đài và nhiều kênh thông tin khác đã giúp mọi người biết được giá trị đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh cũng như vùng trồng Sâm Ngọc Linh lớn nhất cả nước hiện nay là huyện Tu Mơ Rông và các vùng giáp ranh tại huyện Đăk Glei (xã Mường Hoong, Ngọc Linh,…).

Từ kết quả nghiên cứu của các cơ quan, viện nghiên cứu, có thể khẳng định, sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới với hàm lượng Saponin cao hơn nhiều so với các loài sâm khác, có nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học chứng minh giá trị đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh.

Kon Tum: Khai mạc Hội thảo sâm Ngọc Linh - định hướng nâng tầm giá trị sâm Việt Nam- Ảnh 3.

Với những giá trị của Sâm Ngọc Linh đối với người tiêu dùng và thị trường thì nhu cầu về trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh là rất lớn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã liên hệ với các sở ngành, địa phương thực hiện việc được khảo sát để trồng sâm. 

Tuy nhiên, hiện nay còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: vốn đầu tư lớn, quy định và hướng dẫn về thuê dịch vụ môi trường rừng; chưa có quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp mã số vùng trồng, và đặc biệt hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống Sâm Ngọc Linh như: Sâm Lai Châu; Sâm Lang Biang; Tam Thất hoang; Sâm Vũ Điệp... Một số tư thương đã trà trộn vào lấy thương hiệu Sâm Ngọc Linh, do đó đã ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng.

Tại "Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn" Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum mong muốn từ lịch sử hình thành và phát triển Sâm Ngọc Linh đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hộ gia đình trồng sâm sẽ quan tâm, thảo luận về những giá trị của Sâm Ngọc Linh, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng sâm Ngọc Linh, phương pháp phân biệt Sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác; giải pháp để liên kết, phát triển cây Sâm Ngọc Linh. 

Đồng thời phát triển sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch và quan trọng hơn là làm sao để bảo vệ và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, đưa sâm Ngọc Linh vươn tầm ra thế giới. Các nhà khoa học cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa về các loại sâm để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn giá trị của cây sâm Ngọc Linh và những vùng trồng, phát triển sâm Ngọc Linh.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn
Bình luận