Logistics xanh: Áp lực hay động lực cho doanh nghiệp Việt?
Logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh. Xu hướng này vừa tạo áp lực và vừa là động lực đối với doanh nghiệp Việt hiện nay.
Việt Nam nằm trong Top 10 thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 về Chỉ số cơ hội logistics quốc tế. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường logistics Việt Nam rất lớn.
Logistics đã đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Nếu như năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỷ USD thì con số này đã tăng 3,6 lần lên trên 680 tỷ USD vào năm 2023.
Rõ ràng, logistics đóng vai trò rất là quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, logistics cũng là một ngành có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, riêng hoạt động vận tải đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi con số này có thể lên đến 11%.
Do đó, logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh. Xu hướng này vừa tạo áp lực và vừa là động lực đối với doanh nghiệp Việt hiện nay.
Tại tọa đàm “Thích ứng logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại, phân tích, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và Tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm.
Xanh hóa logistics chắc chắn ở giai đoạn đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí. Trong khi đa phần doanh nghiệp logistics là nhỏ và vừa, đây là một áp lực đối với doanh nghiệp khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư để trở nên xanh hơn.
Cơ sở hạ tầng của chúng ta dù đã có sự phát triển nhưng để đáp ứng được yêu cầu xanh hóa thì còn nhiều hạn chế. Ví dụ, chuyển đổi từ vận tải bằng đường bộ sang vận chuyển bằng các hình thức có mức phát thải thấp hơn như đường thủy nội địa chẳng hạn hay đường sắt… thì khả năng chuyển đổi cũng rất hạn chế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, cũng đồng tình: Vấn đề đầu tiên khi thực hiện logistics xanh là đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường… Những yêu cầu này đòi hỏi cần nguồn tài chính rất lớn trong khi doanh nghiệp hạn chế về vốn.
Ngược lại, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra động lực để ngành logistics Việt Nam phải chuyển đổi để phát triển. Bởi về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngành.
Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là sản phẩm phải xanh thì hiện nay tiêu chí này áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh. Mới đây Liên minh Châu Âu (EU) ban hành cơ chế chuyển đổi biên giới carbon là CBAM năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực.
Bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, việc chuyển đổi xanh là áp lực hay động lực sẽ tùy thuộc vào việc doanh nghiệp đối mặt và ứng dụng linh hoạt thế nào.
Thực tế, các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đã bước đầu thực hiện chuyển đổi xanh trong hoạt động của mình. Bên cạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển nhằm tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cũng đang dần thay thế phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, hệ thống kho năng lượng mặt trời... để hạn chế tối đa lượng phát thải.
Để thúc đẩy và thích ứng xu hướng phát triển Logistics xanh trong bối cảnh hiện nay, ngành logistics Việt Nam cần lồng ghép mục tiêu liên quan đến phát triển xanh, bên cạnh đó là chính sách đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước cho hạ tầng logistics.
Theo các chuyên gia, giải pháp mang tính chất căn cơ nhất vẫn thuộc về yếu tố con người, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và tăng cường hơn nữa nhận thức của xã hội để có thể tạo một áp lực đối với các doanh nghiệp một cách mạnh mẽ hơn nữa, yêu cầu từ phía khách hàng, yêu cầu từ phía thị trường sẽ là áp lực cuối cùng buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi, bất kể là họ đã sẵn sàng hay chưa thì vẫn phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu này.
An Mai (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.