Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ chế đặc thù để gìn giữ và phát triển làng nghề
Trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, trong đó đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động tại các làng nghề diễn ra ngày 5/7, tại Hà Nội.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.
Những năm gần đây, các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của Hà Nội luôn có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm. Việc bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa - nông nghiệp - nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế đa giá trị cho người dân là hướng đi quan trọng của thành phố trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô…
Chính vì vậy, mục tiêu của hội nghị là cung cấp thông tin về tình hình thực hiện và các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Thành phố, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là khu vực nông thôn và đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị khẳng định sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo TP Hà Nội đối với sự phát triển của các làng nghề.
“2 năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn…” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh thông tin.
Nhưng quan trọng hơn, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam nói chung, trong đó có những giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm. Thậm chí, sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hoá Hà Nội và của Việt Nam ra thế giới, để giao lưu với các nước bạn; qua đó khẳng định, trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hoá vô cùng đặc sắc.
Khẳng định phát triển làng nghề là vấn đề có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn khi kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển làng nghề chưa được như mong muốn. Thực tế, nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt, được chứng nhận OCOP nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu lại chưa được quan tâm.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của làng nghề, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, TP đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Thông qua hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, những nhóm kiến nghị, đề xuất không chỉ đơn thuần là kiến nghị mà còn là những gợi ý về giải pháp có tính thực tiễn gửi gắm các cấp, các ngành của thành phố. Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội bền vững.
Thành phố cũng đang nghiên cứu để chỉ đạo cụ thể các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề… tiến tới xây dựng Hà Nội "Văn hiến, văn minh, hiện đại".
Huyền MyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.