Người tiêu dùng - "tuyến phòng thủ đầu tiên" trong kiểm soát thị trường hàng hóa sạch

Mỗi quyết định mua sắm của người tiêu dùng hôm nay không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn góp phần định hình một thị trường hàng hóa sạch, minh bạch, an toàn. Cảnh giác, lựa chọn kỹ càng và nói không với hàng giả là cách người tiêu dùng thể hiện trách nhiệm và trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống kiểm soát thị trường.

"Báo động đỏ" nạn sản xuất, buôn bán hàng giả 

Trong cuộc sống hiện đại, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn về sản phẩm, từ thực phẩm, dược phẩm đến mỹ phẩm và đồ gia dụng. Tuy nhiên, song song với sự đa dạng hàng hóa là nguy cơ ngày càng gia tăng của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã triệt phá đường dây sản xuất sữa giả khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Theo đó, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã đưa ra thị trường tới 573 nhãn sữa bột giả, nhắm đến các nhóm đối tượng như người suy thận, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người bị tiểu đường… Điều đáng lo ngại là đường dây này đã hoạt động từ năm 2021, với mạng lưới phân phối trải dài khắp cả nước, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm giả ra thị trường trước khi bị phát hiện.

Người tiêu dùng - "tuyến phòng thủ đầu tiên" trong kiểm soát thị trường hàng hóa sạch- Ảnh 1.

Kho sản xuất sữa bột giả bị công an phát hiện, triệt phá. Ảnh: VTV.

Khi vụ việc về đường dây sản xuất sữa giả chưa lắng xuống, ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng liên quan.

Lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp 6 địa điểm tại Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp, thu giữ 21 loại thuốc giả gồm 4 loại tân dược và chữa xương khớp. Tổng khối lượng thuốc tân dược và nguyên liệu để làm thuốc giả gần 10 tấn.

Người tiêu dùng - "tuyến phòng thủ đầu tiên" trong kiểm soát thị trường hàng hóa sạch- Ảnh 2.

Số thuốc giả bị thu giữ trong đường dây (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Không chỉ dừng lại ở sữa hay thuốc giả, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm cũng khiến dư luận lo ngại. Ngày 24/4/2025, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an TP. Hà Nội đã kiểm tra một kho lạnh nằm gần chợ Hà Vỹ, thuộc huyện Thường Tín, phát hiện hàng chục tấn thịt gà hôi thối chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định phần lớn số thịt này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không được kiểm dịch và không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng - "tuyến phòng thủ đầu tiên" trong kiểm soát thị trường hàng hóa sạch- Ảnh 3.

Sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột nêm giả (Ảnh: Công an cung cấp).

Đến ngày 26/4/2025, lực lượng công an tỉnh Phú Thọ đã đột kích Công ty Famimoto Việt Nam tại khu công nghiệp Thụy Vân, TP. Việt Trì, phát hiện một cơ sở sản xuất hàng giả quy mô lớn chuyên về thực phẩm và gia vị. Các sản phẩm dầu ăn giả được sản xuất từ dầu kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi các loại gia vị giả sử dụng phụ gia không được kiểm định.

Những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong vấn nạn hàng giả tại Việt Nam. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hàng nhái, hàng giả và vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt khi nó dần len lỏi sâu rộng vào gian bếp của mỗi gia đình. 

Một gói gia vị giả, một hộp sữa không rõ nguồn gốc, một viên thuốc bổ nhái thương hiệu nổi tiếng… không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người. Thực tế đáng lo ngại này dần bào mòn niềm tin của người tiêu dùng và đặt ra những thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý.

Người tiêu dùng cần trở thành "tuyến phòng thủ đầu tiên"

Với công nghệ tinh vi, hàng giả hiện nay không chỉ được sản xuất từ các cơ sở quy mô nhỏ mà ngày càng có sự tham gia của các nhà máy, dây chuyền sản xuất lớn. Các đối tượng sản xuất hàng giả sử dụng những công nghệ in ấn hiện đại, sản xuất bao bì tinh xảo, thậm chí sao chép đến từng chi tiết nhỏ nhất, từ mã vạch, tem chống hàng giả, đến cả thông tin trên bao bì. 

Hơn nữa, sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và các kênh mua sắm trực tuyến là nơi các sản phẩm giả được tiêu thụ mạnh mẽ. Với mức giá rẻ, khuyến mãi hấp dẫn và sự thiếu kiểm soát từ một số đơn vị bán hàng, hàng giả ngày càng dễ dàng tiếp cận đến tay người tiêu dùng. Thậm chí, không ít người tiêu dùng vì thiếu hiểu biết hoặc vì tâm lý "ham rẻ" mà đã vô tình chọn phải những sản phẩm kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.

Người tiêu dùng - "tuyến phòng thủ đầu tiên" trong kiểm soát thị trường hàng hóa sạch- Ảnh 4.

Nhiều shop đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho" để "hút" khách.

Để chủ động trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái; bảo vệ chính mình và người thân, người tiêu dùng cần trở thành "tuyến phòng thủ đầu tiên". Việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng không chỉ giúp họ tự bảo vệ quyền lợi của mình mà còn tạo áp lực lớn đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, buộc họ phải thay đổi hoặc từ bỏ hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, người tiêu dùng cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về cách nhận diện hàng giả, hàng nhái và các biện pháp phòng ngừa.

Một trong những cách đơn giản nhất là kiểm tra bao bì, tem nhãn sản phẩm. Các sản phẩm chính hãng thường có thông tin đầy đủ về nơi sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch, mã QR để tra cứu nguồn gốc. Người tiêu dùng cũng nên sử dụng các ứng dụng điện thoại hoặc các website chính thức của cơ quan chức năng để kiểm tra thông tin về sản phẩm trước khi mua.

Người tiêu dùng - "tuyến phòng thủ đầu tiên" trong kiểm soát thị trường hàng hóa sạch- Ảnh 5.

Bên cạnh đó, việc mua sắm tại những cửa hàng, siêu thị uy tín, các trang thương mại điện tử được cấp phép cũng là cách giúp người tiêu dùng giảm thiểu nguy cơ mua phải hàng giả. Họ cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, sẵn sàng tố giác những cơ sở kinh doanh vi phạm để bảo vệ cộng đồng. 

Đặc biệt, người tiêu dùng cần kịp thời báo cho cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn thực phẩm hoặc các trung tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý kịp thời.

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây bức xúc trong dư luận, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng. Cụ thể, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi các sản phẩm không an toàn. Quyền lợi của người tiêu dùng cần được bảo vệ mạnh mẽ hơn thông qua việc sử dụng công nghệ để tra cứu thông tin sản phẩm, tham gia vào các hoạt động giám sát hàng giả và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã và đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, cũng như tăng cường tuyên truyền giáo dục về vấn đề này qua các kênh thông tin chính thống. 

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một hành trình dài hơi, không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng mà cần có sự đồng hành của tất cả mọi người, đặc biệt là người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng chính là “tuyến phòng thủ đầu tiên” giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi các sản phẩm nguy hiểm, kém chất lượng. Người tiêu dùng thông thái sẽ trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết và chủ động trong việc lựa chọn sản phẩm, đồng thời cảnh giác và thông báo kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm.

Một cộng đồng tiêu dùng tỉnh táo, có kiến thức và hành động có trách nhiệm chính là nền tảng bền vững để kiểm soát và duy trì một thị trường hàng hóa sạch, an toàn cho sức khỏe và đảm bảo quyền lợi của toàn xã hội.

Đăng Khoa
Ý kiến của bạn
Bình luận
Tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" cho khu vực kinh tế tư nhân Tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" cho khu vực kinh tế tư nhân

Thường trực Chính phủ chỉ đạo tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 20 Tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đa quốc gia.