Tập trung các giải pháp chiến lược, nâng tầm thể thao thành tích cao Việt Nam
Trong những năm qua, thể thao Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao ở đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Có được thành tích này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các vận động viên, huấn luyện viên và những người làm thể thao nước nhà. Song, để thể thao Việt Nam có một bước tiến mới, đặc biệt giành thành tích cao ở đấu trường châu lục và thế giới, cần có một chiến lược cụ thể trong công tác huấn luyện, đào tạo nâng cao thành tích cho vận động viên.
Chia sẻ với PV về những khởi sắc của thể thao thành tích cao tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, T.S Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - cho biết: Nhìn lại lịch sử nước ta, từ một đất nước có nền thể thao kém trong khu vực Đông Nam Á trước những thập niên 70 - 80 và 90. Sau những năm đổi mới của đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các Bộ, ngành và nhân dân, Việt Nam lần đầu tổ chức SEA Games 22 tại Việt Nam vào năm 2003.
Sự thành công của SEA Games 22 đã đem lại sự khích lệ cho mọi tầng lớp nhân dân tích cực rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe để xây dựng hạnh phúc gia đình và kiến thiết quốc gia. Ngành Thể dục thể thao có một Ủy ban trực thuộc Chính phủ - cơ quan ngang Bộ đã phát huy được sức mạnh, đem lại nhiều thành công cho thể thao Việt Nam những năm tiếp theo về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Sau SEA Games 2003, Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 của các kỳ SEA Games, điều đó không thể phủ nhận sự cố gắng của Nhà nước, của ngành, những người làm công tác thể thao, sự nỗ lực của cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, những tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp để ngành Thể dục thể thao có được những thành công đó. Thể thao Việt Nam không chỉ thành công ở khu vực Đông Nam Á mà từng bước tới châu Á cũng dần được khẳng định. Thể thao Việt Nam đã rất nỗ lực cùng với sự may mắn để thành công, có những tấm huy chương quý báu hơn vàng tại Olympic của các môn: Taekwondo, Cử tạ, Bắn súng…
Dù khởi sắc là vậy, nhưng thể thao thành tích cao của Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, như: Người Việt Nam có thể trạng thấp, bé về thể lực, sức bền so với nhiều nước ở khu vực châu Á và thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ… là những nước có nền kinh tế phát triển cũng là các cường quốc về thể thao. Bộ máy của ngành Thể thao từ Trung ương đến cơ sở còn nhiều bất cập. Lực lượng huấn luyện viên, vận động viên tuyến dưới còn mỏng, lực lượng vận động viên kế cận ít đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, huấn luyện và đào tạo vận động viên.
T.S Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Hiện nay, việc tuyển chọn vận động viên đều phải dựa vào các giải thi đấu toàn quốc vì nhiều địa phương có vận động viên tài năng song do địa phương không tổ chức tập luyện và thi đấu môn thể thao đó và không có kinh phí. Nhiều địa phương chỉ làm vài môn thể thao nên hạn chế về vận động viên đóng góp cho quốc gia. Hiện chỉ có hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới đào tạo nhiều môn thể thao".
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất từ quốc gia đến các đơn vị chưa đáp ứng trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện nâng cao. Ngành Thể thao cũng còn nhiều bất cập như: Đầu tư còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm và thiếu kiên định; Thiếu sự thu hút quan tâm của xã hội (xã hội hóa chưa sâu, chưa hiệu quả) về cơ sở vật chất, về tài lực, về kinh tế, về nguồn lực; Chế độ đãi ngộ huấn luyện viên, vận động viên (trước, trong và sau thi đấu còn chưa tạo động lực thu hút nhân tài); Chế độ cho người làm công tác thể dục thể thao như: Nghiên cứu khoa học, huấn luyện thi đấu, phục vụ, quản lý, liên quan đến các đội tuyển còn hết sức hạn chế; Kinh phí tập huấn và thi đấu nhà nước chưa đáp ứng (nhất là tập huấn và thi đấu nước ngoài).
Một bất cập nữa là bộ máy tổ chức hay thay đổi, gây bất ổn: Từ một ngành trực thuộc Chính phủ (Tổng cục Thể thao) tiến lên Ủy ban Thể thao tương đương Bộ, xuống Tổng cục Thể dục thể thao trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi Cục Thể dục Thể thao trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ở các địa phương, ngành thể thao sáp nhập vào ngành Văn hóa và Du lịch. Sự thay đổi này đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý những người làm thể thao trong công việc, chất lượng và hiệu quả…
Nói về chiến lược phát triển thể thao trong huấn luyện và đào tạo thời gian tới, T.S Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Bộ máy tổ chức của ngành Thể dục thể thao từ trung ương đến địa phương cần phải mạnh, phải quyết được các chính sách để tuyển chọn, đào tạo. Ngành Thể dục thể thao cần lựa chọn những môn thế thao thế mạnh để phát triển ở đấu trường châu Á và Olymic.
"Trong nhiều năm qua, ngành Thể dục thể thao đã nghiên cứu, có những bước đi cơ bản chọn được những môn thể thao phù hợp như: Bắn súng, bắn cung, thể dục, cử tạ là những môn thể thao nhóm 1 để thi đấu ở châu Á và tiến tới Olympic. Để xây dựng chiến lược huấn luyện, đào tạo vận động viên thi đấu ở châu lục và thế giới phải có cách làm khác nhau.
Qua nhiều năm làm công tác quản lý, theo dõi, trao đổi với các đồng nghiệp và bộ máy tổ chức của một số nước trên thế giới, tôi nhận thấy, ngành Thể thao nên chăng có một bộ máy tổ chức được thành lập là Bộ Thanh niên và Thể thao hoặc Bộ Giáo dục - Thể thao. Bởi hai ngành này có yếu tố về giáo dục thể chất và giáo dục xã hội, rất phù hợp với ngành Thể thao", Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất học đường; tiếp tục triển khai có hiệu quả "Ðề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học" là rất cần thiết. Qua đó, phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên. Các trường học phải đưa được nhiều môn thể thao cho học sinh được rèn luyện, vui chơi, nâng cao thể chất và tinh thần. Từ trường học sẽ tìm kiếm được nhiều em có năng khiếu thể thao để tuyển chọn vào các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia,...
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố. Tiếp tục mở rộng quy mô và hiện đại hóa các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao, nhất là những môn thể thao trọng điểm.
Về chế độ chính sách, khi xã hội phát triển, điều kiện kinh tế được cải thiện, việc thay đổi chính sách cho phù hợp với ngành, nghề đối với ngành Thể dục thể thao cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy vậy, trong cuộc sống thực tế, việc một người làm công tác Thể dục thể thao hay một huấn luyện viên, vận động viên nếu không làm thêm công việc khác, sẽ không đủ thu nhập chứ chưa nói là dư giả. Nếu có chính sách tốt, thu hút được nguồn lực của xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao, tạo đà cho thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao phát triển. Lấy ví dụ như ở Trung Quốc, vận động viên vô địch Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ được thưởng một căn hộ, về địa phương được tôn vinh. Điều này, đã và đang tạo động lực để vận động viên hết mình cống hiến cho thể thao, qua đó đem lại kết quả tốt cho thể thao thành tích cao nước nhà.
Trong thời gian tới, ngành Thể dục thể thao cần lựa chọn các nhà hoạch định về Thể dục thể thao, nhà quản lý, các nhà khoa học, huấn luyện viên, vận động viên có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu về Thể dục thể thao trong giai đoạn mới. Tuyển chọn vận động viên cần một cách làm mới là phân loại vận động viên tham dự Olympic, ASIAD, SEA Games đầu tư để có môi trường tập luyện, chế độ đãi ngộ cụ thể.
Về cơ sở vật chất, nếu không có cơ sở vật tốt sẽ không đào tạo được các vận động viên tài năng. Vì cơ sở vật chất được trang bị thiết bị, khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ giúp vận động viên nâng cao thành tích. Do vậy, cần từng bước nâng cao cơ sở vật chất các cơ sở huấn luyện, đào tạo tài năng thể thao, đào tạo huấn luyện viên, hướng dẫn viên đảm bảo an toàn, đầy đủ và tiến tới hiện đại.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo đầu tư kinh phí tập huấn và thi đấu ở nước ngoài cho vận động viên; Cần đầu tư xây dựng lực lượng vận động viên trẻ bằng chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh, thành, ngành (mà trước đây đã thực hiện tốt); Xây dựng cơ chế tuyển chọn chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên quản lý, đào tạo huấn luyện hợp lý đảm bảo hiệu quả; Lựa chọn các môn, các nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc thù, tầm vóc, tâm lý của con người Việt Nam để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.
Hiện nay, ở nước ta người dân quan tâm nhiều vào bóng đá nam, tạo hiệu ứng cao nên các nhà tài trợ cũng đầu tư vào thưởng cho các đội bóng đá. Các cầu thủ có thể làm giàu bằng nghề của mình. Còn các môn thể thao khác chưa được quan tâm, nguồn lực xã hội hóa còn ít. Thiết nghĩ, cũng như các ngành nghề khác, thể thao chỉ phát triển khi có một chính sách tốt, có một bộ máy tổ chức tốt. Phải có được sự quan tâm của xã hội thì thể thao Việt Nam mới phát triển bền vững và nâng tầm cao mới.
Nguyễn HạnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.