Thanh Hóa: Tích tụ hơn 4,6 nghìn ha đất phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi. Đến nay, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, dần trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân.
Chỉ riêng trong 9 tháng năm 2024, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 4,43%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản đạt gần 240 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu đề ra và cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, chăn nuôi vốn là ngành sản xuất truyền thống, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT chú trọng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thanh Hóa tiếp tục quan tâm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tính đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh đã tích tụ được hơn 4,6 nghìn ha đất để phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Diện tích đất tích tụ được hình thành dưới các hình thức như: thuê, thầu hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất. Thông qua việc tích tụ, tập trung đất đai, Thanh Hóa đã xây dựng được nhiều khu, cụm chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến tháng 7 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.080 trang trại chăn nuôi và 739.350 hộ dân, trong đó có 582 trang trại chăn nuôi lợn, 415 trang trại chăn nuôi gia cầm, 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò.
Toàn tỉnh thu hút được 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao với khoảng 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn. Điển hình như: Tập đoàn Xuân Thiện; Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam; Công ty TNHH Jafa comfeed Việt Nam; Tập đoàn Newhope; Tập đoàn Dabaco; Tập đoàn TH True milk; Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk; Công ty Cổ phần thực phẩm Viet Avis…
Đồng thời, hình thành được 269 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn. Hiện có 1.386 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 21.000 lao động, với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, giá trị lớn, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững. Giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Theo kế hoạch và chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm.
Yến HoàngTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.