Thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ chứng kiến điều chưa từng có: Nước đổ về "5.000 năm mới xảy ra một lần"
Thậm chí, đến 2 giờ sáng 23/7, lượng nước đổ về còn vượt ngưỡng.
Theo thông báo của UBND tỉnh Nghệ An, Thủy điện Bản Vẽ – công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ – vừa ghi nhận lưu lượng nước đổ về hồ đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Sáng ngày 23/7, đại diện Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ hoàn lưu bão số 3, lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện đã đạt mức kỷ lục – được đánh giá là đỉnh lũ “nghìn năm có một”.

Thủy điện Bản Vẽ vừa ghi nhận lưu lượng nước đổ về hồ đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
"Tối 22/7, lưu lượng nước tại thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ đã lên đến 9.543m³/s, tiệm cận ngưỡng lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m³/s – tương ứng với tần suất xuất hiện 0,02%, tức khoảng 5.000 năm mới gặp một lần. Đến 2h sáng ngày 23/7, con số này đã vượt ngưỡng, đạt hơn 12.000 m³/s" - Đại diện Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ thông tin.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẩn trương chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như các công trình thủy lợi/thủy điện trong đó có Thủy điện Bản Vẽ.
Hiện, Thủy điện Bản Vẽ đang tiến hành cắt giảm lũ, xả xuống hạ du với lưu lượng 1.727m³/s. Dự kiến, lưu lượng sẽ tăng nhanh dần.
Thủy điện Bản Vẽ sản xuất hơn 1 tỉ kWh điện mỗi năm
Thủy điện Bản Vẽ là thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ với sản lượng điện sản xuất bình quân giai đoạn 2023-2024 là hơn 1 tỷ kWh/năm. Sản lượng điện cung cấp năm 2024 là hơn 1,2 tỷ kWh. Tổng nộp ngân sách năm 2024 là 179 tỷ đồng, theo EVN.

Thủy điện Bản Vẽ nhìn từ trên cao. Nguồn: EVN
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) cho biết, Thủy điện Bản Vẽ gồm 02 tổ máy, có công suất thiết kế 320 Megawatt, được xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn (sông Lam), tỉnh Nghệ An.
Thủy điện - được xem là xương sống trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam - là nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải trực tiếp CO2 trong quá trình sản xuất điện, giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiệt điện than và khí tại Việt Nam.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến năm 2023, thủy điện chiếm khoảng 43,6% tổng sản lượng điện tại miền Bắc và đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính so với các nguồn điện hóa thạch. Điều này góp phần lớn trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) năm 2050 của nước ta.
Riêng tại Thủy điện Bản Vẽ, với sản lượng hơn 1 tỷ kWh/năm, đã giúp thay thế lượng điện tương đương từ nhiệt điện than, giảm khoảng 0,8-1 triệu tấn CO2 mỗi năm (tính theo hệ số phát thải trung bình của nhiệt điện than là 0,8-1 kg CO2/kWh).
Ngoài phát điện, Thủy điện Bản Vẽ còn thực hiện các nhiệm vụ như cắt giảm lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho hạ du vào mùa khô phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt, và chống hạn hán.
Theo Quy hoạch Điện VIII, định hướng tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện, bao gồm cả thủy điện nhỏ dự kiến đạt 29.346 Megawatt, sản xuất 101,7 tỷ kWh/năm; đến năm 2050, tổng công suất nguồn thủy điện dự kiến đạt hơn 36.000 Megawatt, sản xuất hơn 114 tỷ kWh/năm.
Trang Ly
Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.