TP Cần Thơ: Nền y tế mạnh phải bắt đầu từ y tế cơ sở
Kết thúc năm 2024, ngành Y tế TP. Cần Thơ đạt nhiều thành tựu khả quan. Ngành y tế đã bước vào cải cách chính mình, mạnh dạn cắt bỏ những “khối u” lạc hậu, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, hướng đi tiên phong, từng bước xây dựng nền y tế hiện đại. Dịp này, PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế đã có cuộc trao đổi với bạn đọc Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xung quanh chuyện đổi mới này.
Phóng viên: Từ sau đại dịch Covid-19, ngành y tế đã cho thấy trọng trách của người y bác sĩ đối với xã hội dân sinh. Vậy, làm thế nào để duy trì lòng tin của người dân đối với đội ngũ y tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, thưa ông?
PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường: Hành động. Chỉ có hành động đúng chức trách mới là cốt lõi để duy trì lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế.
Bắt đầu từ y tế cơ sở mà nói thì năm vừa qua chúng tôi đã đổ nhiều công sức cho lĩnh vực này. Căn cứ quan trọng để triển khai chính là Kế hoạch số 265-KH/TU ngày 26/01/2024 triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư "Về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới" trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Hiện nay, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn Cần Thơ bao gồm: tuyến quận, huyện có 12 đơn vị (trong đó có 3 bệnh viện, 9 trung tâm y tế) với tổng số 990 giường bệnh; tuyến xã, phường, thị trấn có 80 trạm y tế. 100% trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hoạt động của y tế cơ sở Cần Thơ đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống dịch bệnh, phòng chống dịch COVID-19…; 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, phần mềm V20 đã liên thông dữ liệu thanh toán bảo hiểm y tế từ năm 2017; hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, thống kê y tế, tiêm chủng mở rộng…
Ngành đang xây dựng và chuẩn hóa mô hình bác sỹ gia đình (BSGĐ) tại các trạm y tế. Bước đầu, đã khai trương 3 Phòng khám BSGĐ tại 3 quận huyện gồm huyện Vĩnh Thạnh (xã Thạnh Tiến), quận Thốt Nốt (phường Thuận Hưng) và quận Cái Răng (phường Thường Thạnh) vào ngày 21/10/2024. Tại các trạm y tế này được trang bị: Máy siêu âm, máy điện tim, máy khí dung, máy đo SpO2, giường bệnh nhân 2 tay quay, máy tính, điều hòa, tủ thuốc, bảng hiệu phòng khám, nội thất, trang trí phòng khám, áo blouse, hệ thống xử lý nước thải…
Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng và triển khai Ứng dụng Chăm sóc sức khoẻ Cần Thơ (giai đoạn 1) với 9 bệnh viện tuyến thành phố và 3 trạm y tế tham gia triển khai thí điểm phòng khám BSGĐ với các chức năng: Đặt lịch khám bệnh trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; tư vấn, hội chẩn KCB từ xa...
Phóng viên: Để thực hiện khối lượng công việc to lớn và không dễ dàng đó, ngành y tế đã và đang đối mặt với những khó khăn thách thức nào, thưa ông?
PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường: Khó khăn đến từ 2 yếu tố chính: Cơ sở vật chất cũ kỹ lạc hậu và cơ chế chính sách còn chưa đầy đủ hoàn thiện.
Trước hết, về cơ sở vật chất các bệnh viện tuyến thành phố, quận huyện dần xuống cấp theo thời gian, đồng thời nhiều thiết bị y tế cũng bị cũ, hư hỏng và thời gian sử dụng đã lâu, chưa được đầu tư mới nên công nghệ rất lạc hậu. Nhiều bệnh viện tuyến thành phố như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, … có nhiều thiết bị y tế bị xuống cấp, hư hỏng cũng như thời gian sử dụng đã lâu, chưa được đầu tư mới.
Cụ thể: Bệnh viện Ung bướu (hệ thống xạ trị gia tốc); Bệnh viện Tim mạch (hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt); Bệnh viện Phụ sản (hệ thống chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla và máy giúp thở trẻ sơ sinh, trẻ em có chế độ HFO); Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ (đầu tư thiết bị và hệ thống thông tin nhằm nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu 115); Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm (Hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), Máy thử độ hoà tan 8 ngăn, có hệ thống hút tự động, Quang phổ tử ngoại khả kiến (UV-VIS), Máy thử độ tan rã thuốc viên,…).
Tại các trung tâm y tế quận huyện, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị… rất phổ biến.
Về cơ chế chính sách vẫn còn thiếu hành lang pháp lý để triển khai như: Chính sách thu hút nhân lực hết hiệu lực và nguồn lực ngân sách hạn chế; quy định vị trí việc làm chưa phù hợp với mô hình bác sĩ gia đình… Mô hình bác sĩ gia đình mặc dù đã triển khai tại trạm y tế nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật cung cấp tại nhà người bệnh; Bác sĩ y học gia đình chưa có mã đăng ký tài khoản khám chữa bệnh trên cổng giám định BHXH…
Vì vậy, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể về phát triển mô hình bác sỹ gia đình để các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ và đúng quy định. Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn và cho phép đăng ký tài khoản khám chữa bệnh bác sỹ gia đình trên Cổng giám định Bảo hiểm y tế…
Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ của y tế cơ sở là áp dụng công nghệ thông tin vào việc khám chữa bệnh cho người dân. Việc này đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường: Ngày 16/01/2024 Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch 275/KH-SYT về việc triển khai thực hiện các mô hình của Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030" trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2024 (thực hiện Đề án 06).
Theo đó, ngành y tế được giao thực hiện triển khai 4 mô hình: Mô hình Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID đã thực hiện 100%; Mô hình Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kiosk tự phục vụ đã triển khai tại 8 bệnh viện; Mô hình Quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh thì 100% đã triển khai. Riêng mô hình Tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử, Sổ lao động điện tử trên VneID thì đến tháng 11/2024 có khoảng 13% dân số có sổ sức khỏe trên VneID.
Về lĩnh vực BHYT, hiện nay 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT lên Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH thành phố, trong đó bao gồm toàn bộ dữ liệu khám chữa bệnh và thông tin giấy chuyển tuyến BHYT điện tử, giấy hẹn khám lại.
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, sở đã phối hợp Công ty cổ phần Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường triển khai thí điểm các giải pháp CerviCAL AI (ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tầm soát ung thư cổ tử cung) tại Bệnh viện Phụ sản, Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai, Vĩnh Thạnh. Phối hợp với Công ty Vina Brain thí điểm triển khai trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ….
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Ân (thực hiện)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.