TP.HCM: Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng

Địa phương
01:42 PM 13/08/2024

Từ đầu năm đến nay, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực, tiếp tục đà phục hồi sau một thời kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID 19. Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong những tháng cuối năm 2024, cùng với việc TP. HCM quyết liệt triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp thì cả năm 2024, TP. HCM có thể đạt mức tăng trưởng 7-7,5%.

Phục hồi bán lẻ hàng hoá và dich vụ

Theo nhóm chuyên gia kinh tế Trường Đại học kinh tế TP.HCM: Sự phục hồi trong tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024, ước tính đạt 558 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (con số tương ứng của cả nước là 3.098 nghìn tỷ đồng và tăng 8,6%). 

TP.HCM: Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng- Ảnh 1.

Khánh thành hạng mục hầm chui đường nối Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện

Trong đó, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 48% và tăng 10,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm tỷ trọng 11,2% và tăng 8,1%; du lịch lữ hành chiếm tỷ trọng 3,4% và tăng 63,3%, các dịch vụ khác chiếm tỷ trọng 37,4% và tăng 7,2%. Tuy nhiên, đây không phải là cao so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm của các năm trong giai đoạn 2019-2021. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải (theo giá hiện hành) trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn TP.HCM ước tính tăng 32,42% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tăng trưởng trong xuất khẩu được duy trì. Giá trị xuất khẩu theo giá hiện hành, ước tính đạt khoảng 20,6 tỷ USD (tương đương khoảng 524 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành), tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2024 ước tính đạt 11,11 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2024 ước tính đạt 9,45 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Những con số này không phải là cao so với giá trị xuất khẩu của quý I và quý II các năm trong giai đoạn 2019-2022. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa thực sự tận dụng được sự thuận lợi đến từ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP.HCM là Trung Quốc và Mỹ. 

Trên địa bàn TP.HCM, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu cho thấy, vốn của khu vực ngoài nhà nước chiếm 68,6% và tăng 3,8%; vốn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 10,8% và giảm 10,3%. Điều này phần nào phản ánh đầu tư của các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn TP.HCM vẫn còn phục hồi chậm tương đối so với cả nước. 

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024 cũng đang được giải ngân khá chậm. So với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM trong những tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mức giải ngân này chỉ mới đạt 13,8% tổng kế hoạch vốn được giao. Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm phần nào gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn của khu vực xây dựng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 33.824, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể là 22.462, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, số dự án FDI cấp mới được ghi nhận trong những tháng đầu năm 2024 là 597, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục xu hướng hồi phục ổn định sau khi giảm sâu vào 6 tháng đầu năm 2021 và đã gần quay trở lại với con số của 6 tháng đầu năm 2019 và 2020.

TP.HCM: Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng- Ảnh 2.

Bán buôn, bán lẻ - một ngành chủ lực của thành phố

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Trong những tháng cuối năm 2024, TP.HCM tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng của người dân, kết nối các chương trình này với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để tăng hiệu ứng lan tỏa, tổ chức các sự kiện tập trung ở cấp quận/huyện, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người dân. Thành phố tăng cường kết nối với các địa phương lân cận để hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố quảng bá sản phẩm tới các thị trường này và ngược lại. TP.HCM cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quốc nội nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đó là:

Thứ nhất, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khuôn khổ chức năng của mình, TP.HCM cần tìm ra những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

TP.HCM: Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng- Ảnh 3.

Sản phẩm OCOP vủa thành phố

TP.HCM tiếp tục đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, để kịp thời đưa ra các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường thế giới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024. Bên cạnh đó, TP.HCM nên tận dụng thời cơ này và tranh thủ thời gian để giảm mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu. 

Cụ thể, TP.HCM cần nghiên cứu các chương trình hành động cụ thể, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sang các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Mỹ, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm hiểu về thị trường, các quy định và yêu cầu của nước sở tại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tương đối cao đối với một doanh nghiệp đơn lẻ. TP.HCM cần phải chủ động nghiên cứu và hỗ trợ các thông tin cho các doanh nghiệp.

TP.HCM: Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng- Ảnh 4.

Phát triển ngành cơ khí - tự động hoá của TP.HCM

Cuối cùng, TP.HCM cần nỗ lực trong những tháng cuối năm, để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng, cùng với việc TP.HCM quyết liệt triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp TP.HCM cả năm 2024, có thể đạt mức tăng trưởng 7-7,5%- như kỳ vọng.

Minh Yến - Hồ Tĩnh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.