Vận tải ven biển bằng tàu VR-SB tăng trưởng bứt phá
Tàu sông pha biển VR-SB có lợi thế vào sâu trong các cảng nội địa, tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng vận chuyển bằng phương tiện này hàng năm đạt khoảng 38%.
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam, khối lượng vận tải ven biển đang ghi nhận những con số ấn tượng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu VR-SB đạt gần 550 triệu tấn, bình quân khoảng 4,5 triệu tấn/tháng - tương đương 150.000 xe tải nặng loại 30 tấn.

Một tàu SB đang xếp hàng tại cảng. Ảnh: Báo Đầu Tư
Tính đến hết tháng 3/2025, cả nước có 3.185 phương tiện VR-SB được đăng kiểm. Trong đó, 1.428 tàu chở hàng với tổng trọng tải gần 3,9 triệu tấn; 724 tàu chở khách với tổng sức chứa hơn 34.000 người; còn lại là các tàu chuyên dụng như cần cẩu, hút bùn, cuốc, kéo đẩy.
Hàng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn duy trì hai con số, trung bình 38%. Riêng năm 2024, ghi nhận gần 94.000 lượt tàu sông pha biển ra vào cảng, xử lý hơn 96 triệu tấn hàng hóa - tăng gấp 12 lần về số lượt tàu và 13 lần về sản lượng so với năm 2015.
Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động vận tải ven biển cũng tăng đáng kể. Tính đến nay, đã có gần 31.000 chứng chỉ chuyên môn được cấp, gồm hơn 6.600 chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển và hơn 24.000 chứng chỉ an toàn ven biển.
Các doanh nghiệp vận tải biển cho biết, tàu VR-SB có nhiều ưu thế vượt trội: chi phí đóng mới rẻ hơn 10-15% so với tàu biển; cước vận tải tuyến Hải Phòng - ĐBSCL chỉ bằng 1/4 đường bộ. Đặc biệt, khả năng vận hành linh hoạt trên cả sông và biển giúp phương tiện dễ dàng tiếp cận các khu vực sâu trong nội địa, kéo giảm áp lực cho giao thông đường bộ và tối ưu chi phí vận chuyển.
Mặc dù vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB đạt hiệu quả rất tích cực, nhưng Cục Hàng hải và Đường thủy chỉ ra, vận tải bằng tàu VR-SB vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: thể chế, pháp luật về phương tiện và hoạt động vận tải của phương tiện VR-SB còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác quản lý đối với hoạt động của phương tiện VR-SB hiện đang chồng chéo, thiếu thống nhất khi đang có đến ba cơ quan thực hiện cấp giấy vào, rời cảng, bến và thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, nhưng chưa có cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý, kết nối các dữ liệu cũng như minh bạch số liệu để các cơ quan quản lý nhà nước cùng khai thác và quản lý.
Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải và Đường thủy cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần thiết triển khai đồng bộ, hiệu quả với hai nhóm giải pháp chính. Một là, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quy định về phương tiện và hoạt động vận tải của phương tiện VR-SB; quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan để thống nhất trong quản lý, không chồng chéo, tạo thuận lợi trong hoạt động vận tải trên tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.
Hai là, nhóm giải pháp tăng cường công tác quản lý. Cụ thể, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện mang cấp VR-SB, các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương tăng cường kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo, kiểm tra, sát hạch, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn đảm bảo đầu ra thuyền viên điều khiển và làm việc trên phương tiện VR-SB.
An Mai (t/h)
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang triển khai 4 hình thức thương mại điện tử với mức độ hiệu quả khác nhau.