“Vứt bỏ hay tái sinh?” - TAGOM chọn hy vọng!

Sản phẩm - Dịch vụ
05:02 PM 08/07/2025

Giữa muôn vàn thách thức về môi trường, từ những bãi rác khổng lồ chất chồng đến làn không khí ô nhiễm len lỏi vào từng nhịp sống thường ngày - câu chuyện về ý thức và trách nhiệm bảo vệ hành tinh không còn là điều xa vời, mà trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong dòng chảy vội vã ấy, vẫn có những con người lặng thầm chọn sống khác: họ gieo mầm xanh từ những điều tưởng chừng vô giá trị, bền bỉ thắp lại hy vọng từ… rác.

TAGOM - một dự án bảo vệ môi trường được chị Nguyễn Thùy Linh và anh Vũ Đức Chung đồng sáng lập vào năm 2022. TAGOM không đơn thuần chỉ thu gom rác, mà còn khơi mở một lối sống văn minh, nơi từng vỏ hộp, chai nhựa hay tờ giấy cũ được tái sinh, trở thành một phần của hành trình "sống xanh" đầy cảm hứng.

Trao đổi về hành trình khởi nguồn cho TAGOM, chị Nguyễn Thùy Linh đã chia sẻ những lát cắt chân thực về hành trình bắt đầu từ một câu hỏi tưởng như giản đơn: “Rác sau khi phân loại rồi sẽ đi đâu?”. Một câu hỏi nhỏ, nhưng đủ sức lay động, khơi dậy trăn trở và mở ra một hướng đi đầy nhân văn - nơi những hành động thầm lặng có thể từng bước tạo nên những thay đổi lớn lao cho cộng đồng. 

“Vứt bỏ hay tái sinh?” - TAGOM chọn hy vọng!- Ảnh 1.

Chị Thuỳ Linh (người đứng giữa) - Đồng sáng lập dự án vì môi trường TAGOM.

Phóng viên: Xin chào chị Thuỳ Linh! Cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi trò chuyện ý nghĩa này. Chắc hẳn phải có một cơ duyên đặc biệt nào đó đã đưa chị đến với con đường bảo vệ môi trường, phải không ạ? Điều gì khiến chị quyết định gắn bó trọn vẹn với công việc này?

Chị Nguyễn Thùy Linh: Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2018, khi mình tham gia hỗ trợ một dự án phân loại rác thải tại nguồn. Lúc đó, điều khiến mình thực sự xúc động và nhìn thấy một tia hy vọng để có thể giải quyết phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam. Khi được tận mắt chứng kiến nhiều người dân, dù sống trong những khu phố bình dị, họ vẫn rất ý thức giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận phân loại riêng các loại rác khó phân hủy và chờ đợi đến ngày thu gom để gửi cho các cô, các bác. Nhìn thấy sự tự nguyện và ý thức đó, mình tin rằng bài toán phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam hoàn toàn có thể được giải quyết.

Sau đó, mình cũng tìm hiểu và tham gia vài tổ chức môi trường khác. Tuy nhiên, mình nhận ra rằng phần lớn các dự án khi ấy đều đang tập trung vào việc truyền thông nâng cao nhận thức, mà chưa thực sự có một lời giải đáp cụ thể, một hành trình rõ ràng cho câu hỏi: "Sau khi được phân loại, rác sẽ đi đâu về đâu?" Trăn trở đó đã nung nấu trong mình một quyết tâm mạnh mẽ. Và thế là, TAGOM ra đời với sứ mệnh trực tiếp giải quyết bài toán cốt lõi này, biến rác thành nguồn tài nguyên thay vì chỉ là gánh nặng. Đó chính là khoảnh khắc mình biết rằng đây là con đường mình muốn đi.

Phóng viên: Một khởi đầu đầy nhiệt huyết như vậy hẳn sẽ đối mặt với không ít thách thức. Hiện nay, chúng ta đều biết Luật Bảo vệ môi trường đã yêu cầu phân loại rác tại nguồn, nhưng thực tế việc triển khai còn rất chậm. Trong khi đó, TAGOM lại chọn con đường thu gom rác tự nguyện - một hành trình đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì. Điều gì đã tiếp thêm động lực để chị và TAGOM kiên định với lựa chọn hiện tại?

Chị Nguyễn Thùy Linh: Mình hiểu rằng việc thay đổi nhận thức và thói quen của hàng triệu người dân là một quá trình trường kỳ, không thể ngày một ngày hai mà thành công. Chúng ta sẽ cần rất nhiều nguồn lực, thời gian để Nhà nước có thể xây dựng và hoàn thiện một hệ thống thu gom hiện đại, tối ưu hơn.

Tuy nhiên, mình luôn tự hỏi: "Nếu chúng ta cứ chờ đợi đến khi hệ thống hoàn hảo mới bắt đầu hành động, thì trong thời gian chờ đợi đó, lượng rác thải khổng lồ vẫn cứ đổ ra mỗi ngày thì sao?". Đó là một áp lực rất lớn đối với môi trường. 

Vì vậy, TAGOM mong muốn hành trình của mình có thể giảm bớt phần nào gánh nặng rác thải cho môi trường ở thời điểm hiện tại, và quan trọng hơn, bắt đầu xây dựng một thói quen sống văn minh, có trách nhiệm hơn cho cộng đồng. Chúng mình tin rằng mỗi hành động nhỏ ngay lúc này chính là bước đệm vững chắc cho một tương lai bền vững hơn.

“Vứt bỏ hay tái sinh?” - TAGOM chọn hy vọng!- Ảnh 2.

Đội ngũ các thành viên dự án Tagom.

Phóng viên: Khi tiếp cận cộng đồng, có lẽ không ít người vẫn giữ suy nghĩ rằng "rác là việc của Nhà nước" hay "phân loại rồi cũng gom chung thôi". TAGOM đã đối mặt với những phản ứng như thế nào, và liệu có gặp khó khăn trong việc thay đổi định kiến này?

Chị Nguyễn Thùy Linh: Trái ngược với những định kiến đó, trong quá trình phát triển và vận hành của TAGOM, hầu hết khách hàng của TAGOM đều là các cá nhân rất yêu môi trường và rất muốn làm sao rác của họ sẽ được xử lý đúng cách. 

Mình nhớ có khách hàng chia sẻ: "Mỗi lần tạo ra rác là chị thấy rất day dứt, và cố gắng tìm kiếm nơi có thể thu gom, xử lý được triệt để các loại rác này, may quá có các em". Hay có những người nói: "Việc phân loại này chắc chắn sẽ tốn thời gian, công sức rồi. Nhưng nếu mỗi cá nhân bỏ chút công sức ra mà đổi lại môi trường được trong sạch, rác được tái sinh thì cũng đáng lắm chứ".

Đặc biệt hơn, việc tự tay phân loại rác tại nhà đã mang lại những hiệu quả bất ngờ cho chính cuộc sống của họ. Nhiều khách hàng kể rằng: "Nhờ phân loại rác tại nhà và gửi đi tái chế, mà thùng rác của họ giảm đi không gian rất nhiều". Thậm chí, một số anh chị còn chủ động tìm hiểu và học cách ủ rác hữu cơ tại nhà theo phương pháp Bokashi. Nhờ đó, họ có thể giải quyết được hơn 90% lượng rác thải sinh hoạt, chỉ còn một phần rất nhỏ rác bẩn không thể tái chế mới phải xử lý, chôn lấp. Những phản hồi tích cực đó chính là động lực to lớn của chúng mình để xây dựng TAGOM phát triển bền vững.

Phóng viên: Từ những phản hồi chân thật và sự nỗ lực của cộng đồng, TAGOM hẳn đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chị có thể chia sẻ một khoảnh khắc nào đó thực sự khiến chị xúc động, bất ngờ, hay càng thêm vững tin vào con đường mình đang đi?

Chị Nguyễn Thùy Linh: Có lẽ điều khiến chúng mình tự hào và xúc động nhất chính là mỗi khi chứng kiến các loại rác được các anh chị khách hàng mang đến. Chúng đều được vệ sinh rất sạch sẽ và sắp xếp vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Thật sự, chúng mình cảm thấy các anh chị ấy giống như những nghệ sĩ vậy!

Đối với họ, phân loại rác không còn là một nghĩa vụ hay công việc phải làm, mà nó đã trở thành một phần của nghệ thuật sống. Các "nghệ sĩ" này luôn coi việc phân loại rác là một niềm đam mê bất tận, một thói quen đã in sâu vào nếp sống và họ sẽ không bao giờ muốn từ bỏ nó. Đó là những khoảnh khắc mà chúng mình nhận ra, TAGOM không chỉ thu gom rác, mà còn đang gieo mầm cho một thế hệ những người sống có ý thức, yêu môi trường bằng cả trái tim.

“Vứt bỏ hay tái sinh?” - TAGOM chọn hy vọng!- Ảnh 3.

Sản phẩm mẫu được tái chế thành những vật dụng hàng ngày rất sáng tạo từ đội ngũ TAGOM.

Phóng viên: Rác thải được nâng tầm thành một loại hình nghệ thuật là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, với nhịp sống hối hả, nhiều người vẫn viện cớ "quá bận để phân loại rác". Vậy làm thế nào để TAGOM truyền tải được thông điệp rằng bảo vệ môi trường không phải là điều xa vời, mà bắt đầu từ chính căn bếp, từ đôi tay của mỗi người?

Chị Nguyễn Thùy Linh: Chúng mình chọn cách hành động để chứng minh! Toàn bộ các loại rác sau khi TAGOM thu gom, chúng mình đều đem đến trực tiếp các nhà máy tái chế, để chúng được "tái sinh" thành rất nhiều sản phẩm có giá trị. 

Một số sản phẩm mẫu tái chế được trưng bày tại trạm, nên khi khách hàng ghé qua, được hiểu về hành trình phân loại, họ vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên vì không ngờ rác có thể làm nên các sản phẩm thân thuộc và hữu ích đến vậy. Đó chính là cách chúng mình thuyết phục: bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một quá trình sáng tạo đầy thú vị!

Phóng viên: Rác thải có thể trở thành những sản phẩm hữu ích như vậy là một thành công lớn. Nhìn về tương lai, ngoài hoạt động phân loại và thu gom rác, TAGOM có dự định mở rộng sang những dự án môi trường nào khác không?

Chị Nguyễn Thùy Linh: Chắc chắn rồi! Hiện nay, TAGOM đang rất hào hứng triển khai thêm hai chương trình mới đầy ý nghĩa, thể hiện mong muốn lan tỏa giá trị từ rác thải đến cộng đồng:

- "Gom rác đong đầy": Người dân tham gia phân loại rác và mang theo chai lọ cũ sẽ được tặng 100ml nước tẩy rửa thiên nhiên lành tính. Chương trình này không chỉ thúc đẩy việc phân loại rác mà còn khuyến khích một thói quen tiêu dùng có trách nhiệm hơn, hướng đến sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và giảm nhựa bằng cách tái sử dụng bao bì.

- "Gom vỏ giấy, sữa trao em": Đây là một dự án mà chúng mình đặt rất nhiều tâm huyết. Với mỗi kilogram vỏ hộp sữa, giấy vở/giấy văn phòng đã qua sử dụng được thu gom, chúng có thể biến thành một hộp sữa dành tặng các em nhỏ vùng cao còn nhiều khó khăn. TAGOM khuyến khích người dân, thông qua việc phân loại rác, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo thêm các giá trị tích cực khác cho xã hội, giúp đỡ được thêm các em nhỏ tại các vùng khó khăn. Rác thải giờ đây không chỉ được tái chế, mà còn trở thành cầu nối của yêu thương.

“Vứt bỏ hay tái sinh?” - TAGOM chọn hy vọng!- Ảnh 4.

Chị Thuỳ Linh (bên trái) cùng đội ngũ TAGOM tiếp đón nhiều người dân mang rác đến điểm tập kết.

Phóng viên: Cả hai chương trình đều rất ý nghĩa và em tin sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cuối cùng, có rất nhiều bạn trẻ vẫn còn băn khoăn rằng "mình nhỏ bé thì thay đổi được gì cho môi trường?". Nếu được chia sẻ một điều với họ, chị sẽ nói gì để tiếp thêm động lực?

Chị Nguyễn Thùy Linh: "Hãy làm tốt phần của mình!".

Mình có nghe một câu chuyện thế này: Trong một khu rừng đang bốc cháy, muôn thú tán loại bỏ chạy khỏi khu rừng. Tuy nhiên, có một con chim ruồi thay vì bỏ chạy, nó lại bay đến chỗ hồ nước gần đó, dùng mỏ gắp nước rồi thả vào khu rừng đang bốc cháy. Bầy thú thấy vậy thì cười lớn và bảo với chim ruồi rằng: "Bạn làm vậy cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì đâu". Chim ruồi trả lời rằng: "Tôi chỉ làm tốt phần của mình".

Vậy nên, hãy cứ làm tốt phần việc của mình. Đừng chờ thế giới thay đổi bạn mà hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong cuộc sống này. Bởi khi bạn thay đổi, dù chỉ một chút, thì thế giới quanh bạn cũng đã tốt đẹp hơn - bắt đầu từ chính cuộc sống của bạn.

Phóng viên: Cảm ơn chị Nguyễn Thùy Linh vì những chia sẻ đầy tâm huyết và sâu sắc. Câu chuyện của TAGOM không dừng lại ở việc thu gom rác; đó là hành trình kiên trì xây dựng niềm tin, lan tỏa yêu thương và khơi dậy ý thức trách nhiệm cộng đồng. Hy vọng rằng, những lời chị gửi gắm sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ để các bạn trẻ nói riêng và mỗi chúng ta hôm nay, bắt đầu "làm tốt phần của mình", kiến tạo một tương lai xanh hơn.

Trúc Quỳnh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hà Nội: Hướng dẫn các đơn vị sử dụng mẫu biểu trưng phục vụ tuyên truyền dịp Quốc khánh 2/9 Hà Nội: Hướng dẫn các đơn vị sử dụng mẫu biểu trưng phục vụ tuyên truyền dịp Quốc khánh 2/9

Ngày 8/7, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 10392/VP-KGVX về việc sử dụng mẫu biểu trưng (logo) tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).