Xuất khẩu hồ tiêu thu về hơn 508 triệu USD

Xuất nhập khẩu
03:16 PM 08/05/2025

Theo thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan, tính đến hết tháng 4/2025, các doanh nghiệp ở nước ta đã xuất khẩu 73.647 tấn hạt tiêu, thu về hơn 508 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tuy xuất khẩu giảm 11,3% về lượng nhưng giá trị lại tăng mạnh 44,4%.

Theo số liệu từ Cục Hải quan, tháng 4 vừa qua, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ghi nhận kết quả ấn tượng với 26.428 tấn, đạt kim ngạch 184,1 triệu USD – tăng vọt 31,7% về sản lượng và 31,1% về giá trị so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu xuất khẩu chỉ nhích nhẹ 0,7%, nhưng giá trị lại bứt phá tới 58,3%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 73.647 tấn tiêu, thu về 508,36 triệu USD. Dù sản lượng giảm 11,3% so với cùng kỳ 2024, nhưng giá trị lại tăng mạnh 44,4% – nhờ giá tiêu xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đạt 6.893 USD/tấn, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2024. Theo đó, hạt tiêu là một trong hai loại nông sản có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu hồ tiêu thu về hơn 508 triệu USD- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá hạt tiêu thế giới trong tháng 4 biến động khá mạnh: sau khi giảm trong nửa đầu tháng, giá đã phục hồi trở lại vào cuối tháng, dù vẫn thấp hơn mức cuối tháng trước.

Theo đánh giá từ Cục Xuất nhập khẩu, giá tiêu tăng do nguồn cung sụt giảm sau vụ thu hoạch và tâm lý nông dân giữ hàng chờ giá cao hơn. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn ổn định ở mức cao, tạo động lực đẩy giá trong nước. Các chuyên gia nhận định, nếu nhu cầu từ các thị trường lớn như Trung Đông và châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong quý II/2025, giá tiêu có thể còn leo thang.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu rộng mở, hồ tiêu Việt Nam đang có cơ hội lớn về giá trị. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch tái canh, cạnh tranh quỹ đất với các cây trồng khác và thiếu hụt nguồn cung trong nước đang đặt ra thách thức lớn. 

Để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường quốc tế, ngành hồ tiêu cần tái cấu trúc lại vùng nguyên liệu bền vững; đẩy mạnh chế biến sâu; chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc; tối ưu hóa chính sách thương mại song phương trong bối cảnh rủi ro thuế quan.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ đạt đỉnh vào quý III/2025 Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ đạt đỉnh vào quý III/2025

Quý III/2025 sẽ là thời điểm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lên đến đỉnh, tạo sức ép lớn lên dòng tiền của các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt trong bối cảnh môi trường tín dụng thận trọng và tiêu chuẩn phát hành ngày càng siết chặt.