Dấu ấn "Về miền quả ngọt Lục Ngạn" năm 2022

Địa phương
09:24 AM 30/11/2022

Chương trình du lịch "Về miền quả ngọt Lục Ngạn" năm 2022 nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả cùng những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Lợi thế thiên nhiên, sản vật, con người

Lục Ngạn là huyện miền núi với 8 dân tộc chính sống đan xen ở 382 thôn, tổ dân phố, tạo nên sự giao thoa, giàu bản sắc văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những lễ hội, phiên chợ cùng cao, các làn điệu dân ca… được duy trì, tổ chức, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân nơi đây và là nét đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách. Toàn huyện có 226 di tích đình, đền, chùa, miếu, nghè; trong đó có 42 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích cổ kính mang nét văn hóa đặc trưng, có giá trị về lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng.

Cùng với những giá trị, nét đẹp về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh đẹp, tiêu biểu phải kể đến hồ Cấm Sơn với diện tích mặt nước trên 2.600 ha, quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, các khu rừng nguyên sinh, vùng lòng hồ có nhiều đảo nhỏ trùng điệp tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tỉnh. Hồ Khuôn Thần được ví như một nàng công chúa, với diện tích khoảng 240 ha, khung cảnh thơ mộng, với nhiều đảo nhỏ xen giữa các rừng thông. Khu di tích quốc gia chùa Am Vãi nằm trên định núi cao, giữa khu rừng nguyên sinh tạo nên sự linh thiêng, tĩnh lặng, thư thái. Suối Cạnh, suối Đấy, suối Cặm tại các xã vùng cao hoang sơ, đầy bí ẩn.

         Dấu ấn “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” 2022 - Ảnh 1.

Hồ Cẩm Sơn trải rộng với nhiều đảo nhỏ

         Dấu ấn “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” 2022 - Ảnh 2.

Hồ Khuôn Thần được ví là Vịnh Hạ Long thu nhỏ của Bắc Giang

Thiên nhiên đã ban tặng cho Lục Ngạn về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng với sự cần cù, ham học hỏi, sáng tạo của người dân đã giúp Lục Ngạn trở thành một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại quả được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa quả ngọt và các sản vật đặc trưng để thu hút khách du lịch; từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo; tháng 3 có mật ong; tháng 5, 6 có vải thiều; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối….

         Dấu ấn “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” 2022 - Ảnh 3.

Vườn vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang chín đỏ vào vụ thu hoạch

         Dấu ấn “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” 2022 - Ảnh 4.

Vườn bưởi gia đình nhà ông Én thôn Tân Trường, Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang một trong những điểm thăm quan trong tuần lễ du lịch "Về miền quả ngọt Lục Ngạn" 2022

Với những tiềm năng, lợi thế đó, Lục Ngạn xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, từng bước đưa du lịch trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Để đạt được điều đó, Lục Ngạn đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, tạo nên những dấu ấn riêng và sự thay đổi tích cực trong phát triển du lịch cộng đồng thời gian qua.

Điểm đến hấp dẫn

Tiếp nối thành công của Chương trình du lịch "Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn" năm 2022, huyện tiếp tục tổ chức Chương trình du lịch "Về miền quả ngọt Lục Ngạn" nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút du khách đến với mùa cam, bưởi; mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm, khám phá mới về vùng đất và con người Lục Ngạn. Điểm nhấn của chương trình là Tuần Văn hóa - Du lịch diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 11.

Trong những ngày này, huyện đã lựa chọn 5 điểm, hợp tác xã du lịch tham gia kết nối tổ chức các hoạt động cho chương trình gồm: Điểm du lịch thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải; Điểm du lịch thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu; Điểm du lịch Bầu Tiên; Điểm du lịch thôn Quỹ Thịnh, xã Quý Sơn; Điểm du lịch Làng Văn hóa Đông Bắc. Với các hoạt động chính là tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán trái cây và các sản phẩm đặc trưng của địa phương; tổ chức các hoạt đọng biểu diễn văn hóa văn nghệ phục vụ, giao lưu với du khách đến thăm quan; tổ chức đón khách, các hoạt động cho khách trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực của địa phương; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vườn cây; trưng bày cây cảnh tại thôn Bồng 1, xã Thanh Hải; dọn đẹp, chỉnh trang cảnh quan làng nghề mỳ Chũ để đón khách đến thăm quan, trải nghiệm các công đoạn làm mỳ và phục vụ khi du khách có nhu cầu thưởng thức;...

Tại lễ khai mạc chương trình du lịch "Về miền quả ngọt Lục Ngạn" diễn ra ngày 22/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh: Lục Ngạn là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức được các chương trình du lịch theo mùa đảm bảo phù hợp với thực tế, hấp dẫn, khác biệt. Qua đó đã tạo tiếng vang lớn, được nhiều du khách biết và đến với Lục Ngạn, vừa góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, vừa tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc trưng của địa phương.

         Dấu ấn “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” 2022 - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại buổi khai mạc

Theo UBND huyện Lục Ngạn, mục tiêu của sự kiện là nhằm đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị của thương hiệu trái cây Lục Ngạn; đồng thời quảng bá nghề thủ công truyền thống, đặc sản địa phương như: Mỳ Chũ, rượu men lá, mật ong, các nông sản. Khơi dậy lòng tự hào và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả văn minh, giàu đẹp, thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm góp phần đẩy mạnh, kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Lê Mạnh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Quý I, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Malaysia Quý I, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Malaysia

Tính chung 3 tháng đầu năm, lượng xăng dầu Việt Nam nhập khẩu đạt 2.558.692 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, giá trung bình 822 USD/tấn. Trong đó, thị trường Malaysia chiếm hơn 34% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu.