Giai đoạn 2017-2024, dư nợ tín dụng xanh tăng bình quân trên 22%/năm
Phát biểu tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng xanh tăng bình quân trên 22%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn mức tăng tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh" do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức chiều 25/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh vai trò then chốt của tín dụng xanh trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh tại Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc, trong giai đoạn 2017-2024, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân trên 22% mỗi năm – cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tuy vậy, đến nay, tín dụng xanh mới chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ tín dụng. "Điều này cho thấy lĩnh vực tín dụng xanh vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển", ông nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo
Phó Thống đốc cũng cho biết hoạt động tín dụng xanh vẫn còn đối mặt nhiều rào cản. Một trong những nút thắt lớn là thiếu danh mục phân loại xanh quốc gia, chưa có bộ tiêu chí ESG thống nhất để doanh nghiệp thực hành. Ngoài ra, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài và yêu cầu cao về quản trị, nhân lực chuyên môn cũng là trở ngại.
Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế đang siết chặt tiêu chuẩn phát thải, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU có hiệu lực từ 2026 – tín dụng xanh sẽ là công cụ quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại hội thảo, NHNN đề xuất các bên liên quan cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện khung chính sách nhằm thúc đẩy dòng vốn tín dụng xanh, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, việc xây dựng chính sách và tiêu chí thống nhất về tín dụng xanh là yêu cầu cấp thiết nhằm phát triển thị trường tài chính bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG và huy động hiệu quả nguồn lực toàn xã hội.
Thời gian qua nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, NHNN đã triển khai nhiều chương trình, chính sách. Cụ thể, NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý: Ban hành Thông tư 17 (2022) hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng; sửa đổi các quy định cấp tín dụng phù hợp Luật các TCTD (2024). Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030 với 7 nhóm nhiệm vụ, từ chuyển đổi số, hợp tác quốc tế đến mua sắm xanh.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD ưu tiên vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở ứng phó biến đổi khí hậu..
Đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường đạt hơn 4,28 triệu tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
“Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh đạt 180 nghìn tỷ, đến 31/12/2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023.
Vốn cho vay tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%)”, Phó Thống đốc nói.
Huyền My (t/h)
Lĩnh vực phát hành ứng dụng di động của Việt Nam đã tạo ra hơn 5,6 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu, đưa Việt Nam lọt vào Top 3 thế giới về số lượt tải ứng dụng.