Ngân hàng CSXH huyện Thanh Thủy: Triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách
Để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) xã hội tại đơn vị, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Thủy đã triển khai sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Việc triển khai phần mềm quản lý TDCS góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng là một trong những giải pháp đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Với mục tiêu phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội (TCCT-XH) nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên kiêm nhiệm khác trong công tác giám sát, quản lý tín dụng chính sách thông qua ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động để thông tin cho khách hàng về hoạt động tín dụng chính sách, các chương tín dụng cho vay, quy trình cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, các văn bản hướng dẫn…
Dưới sự chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp trên, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện ứng dụng QLTDCS nhằm đồng bộ, kịp thời thống nhất và hiệu quả hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành và triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, phối hợp cùng các TCCT-XH huyện và chính quyền địa phương cùng thống nhất triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ và triển khai các tính năng của QLCSTD, tổ chức cài đặt, hướng dẫn sử dụng, giải đáp các ý kiến vướng mắc của người dùng tại các cấp xã, huyện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai ứng dụng công nghệ số.
Đối với người sử dụng cấp cơ sở, việc cài đặt ứng dụng QLTDCS đến người dùng là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn cán bộ ban giảm nghèo các xã, thị trấn lãnh đạo các TCCT-XH, trưởng khu, sử dụng các tính năng gồm: Thông báo; Cẩm nang điện tử; Thông tin tín dụng chính sách của các xã, thị trấn, TCCT-XH các xã, khu; Kết quả kiểm tra giám sát. Đối với người dùng là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn sử dụng các tính năng: Giao dịch tổ, thông báo, cẩm nang điện tử, thông tin TDCS của tổ TK&VV, kết quả kiểm tra giám sát.
Đối với người dùng cấp huyện bao gồm đồng chí Trưởng Ban đại diện HĐQT và thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện; lãnh đạo và cán bộ NHCSXH huyện; lãnh đạo và một số cán bộ TCCT-XH cấp huyện sử dụng các tính năng: Danh sách điểm giao dịch xã; Thông báo; Cẩm nang điện tử; Thông tin TDCS của huyện.
Ngân hàng CSXH huyện Thanh Thủy phối hợp cùng các TCCT-XH huyện và chính quyền địa phương triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ và triển khai các tính năng của QLCSTD
Công tác triển khai đã được áp dụng và thực hiện ngay từ đầu tháng 11/2024 đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao trong công cuộc chuyển đổi số. NHCSXH huyện tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và chuyên viên trực tiếp thực hiện công tác uỷ thác, hướng dẫn cho Ban quản lý tổ TK&VV khai thác sử dụng ứng dụng, thực hiện thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên thông qua ứng dụng QLTDCS trên điện thoại thông minh, đảm bảo theo đúng quy định.
Các Tổ trưởng Tổ TK&VV trang bị điện thoại thông minh, sử dụng thành thạo các tính năng trong phần mềm ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách và tuyên truyền tổ viên trong tổ TK&VV có điện thoại di động để nhận tin nhắn từ hệ thống của NHCSXH.
Có thể nói, việc triển khai sử dụng và khai thác ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác quản lý tín dụng chính sách xã hội.
Triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, tiết giảm thời gian đối với hoạt động giao dịch của Tổ trưởng Tổ TK&VV và cán bộ NHCSXH tại Điểm giao dịch xã. Nâng cao vai trò, hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong các hoạt động giao dịch của NHCSXH đối với khách hàng, Tổ trưởng Tổ TK&VV. Đồng thời cung cấp thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời cho thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đối tượng người dùng về tình hình hoạt động tín dụng chính sách, tình hình kinh tế - xã hội địa phương.
Nghĩa ĐồngTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.