Ngành sản xuất thép trong nước trước nỗi lo hàng nhập khẩu tăng

Kinh doanh
11:28 AM 04/07/2024

Ngành sản xuất thép trong nước dù đang phục hồi nhưng trước tình trạng gia tăng hàng nhập khẩu, làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép trong nước khốc liệt hơn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm nay có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% - 8% so với năm 2023.

Dự báo trên là tín hiệu tích cực, tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng của các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài đang khiến lượng cung vượt xa cầu, cùng đó là tình trạng gia tăng nhập khẩu càng làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép trong nước khốc liệt hơn.

Ngành sản xuất thép trong nước trước nỗi lo hàng nhập khẩu tăng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: VTV

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dẫn dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. 

Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có lượng nhập khẩu HRC trong 1 năm lớn hơn lượng sản xuất trong nước.

Về mức giá, giá nhập khẩu hiện đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm 2023.

Nhập khẩu tăng mạnh, giá bán thấp đã khiến thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Dự kiến đà nhập khẩu năm nay tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao trong nước.

Mặc dù sản xuất thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép còn có những điểm nghẽn mang tính dài hạn, cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Hiện các nước cũng ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng nhiều rào cản, tiêu chuẩn khắt khe mới về môi trường, lao động.

Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. 

Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại… nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp thép tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành thép theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải cacbon thấp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường...

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Cũng trong ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.