Nhiều điểm đổi mới hấp dẫn sẽ diễn ra tại Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2024
Từ ngày 3-6/10, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 - năm 2024 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp, Hà Nội. Hội chợ có quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1.000m2 diện tích đất trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt.
Tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 - năm 2024.
Đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Hội chợ lần này sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/10, tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Hội chợ với quy mô 100 gian hàng, được trưng bày, giới thiệu sản phẩm được thiết kế, trang trí đặc biệt với sự tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp cả nước, trong đó có 31 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An; các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ…
Các sản phẩm mang tới Hội chợ gồm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ …
Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hữu cơ, tiêu biểu, chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, hội chợ còn bố trí khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu với 8 gian hàng đặc biệt bằng chất liệu tre với 8 nghệ nhân đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ tham gia thao diễn trực tiếp tại hội chợ: Nghề chạm khắc bạc, thêu, dệt thổ cẩm, dệt lụa, đục tượng gỗ, nghề mây tre đan, khảm trai, nặn tò he.
Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Hội chợ là hoạt động livestream bán sản phẩm Làng nghề và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok.
Cũng trong khuôn khổ hội chợ, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức đưa các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công, cán bộ nông nghiệp các địa phương đến tham quan và học tập tại Hội chợ. Thông qua các hoạt động tiếp cận với các doanh nghiệp, các thợ thủ công, cán bộ nông nghiệp tại các địa phương sẽ học hỏi, tìm hiểu thông tin về ngành nông nghiệp, các liên kết chuỗi giá trị, nhu cầu của thị trường, các xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hiện, cả nước có trên 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động; trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là trên 2.000, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều làng tồn tại từ 500 - 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…
Thanh HảiNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".