Quảng cáo “số 1” - Danh xưng tự phong hay sự thật được kiểm chứng
Hiện nay, cụm từ như "số 1", "tốt nhất", "uy tín hàng đầu" xuất hiện dày đặc trên các biển quảng cáo, trang mạng xã hội, và cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ trung tâm luyện thi IELTS, phòng khám nha khoa, đến các thương hiệu mỹ phẩm hay đồ ăn nhanh - đâu đâu cũng tự nhận là "số 1". Vấn đề đặt ra: Ai chứng nhận họ "số 1"? Và nếu không có minh chứng rõ ràng, việc này có phải là một sự đánh lừa người tiêu dùng?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan, những từ ngữ mang tính chất tuyệt đối như "nhất", "số một", "duy nhất", "tốt nhất"... chỉ được sử dụng khi có tài liệu chứng minh hợp pháp, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.
Tuy nhiên, thực tế thì khác, chỉ cần lướt qua một số biển hiệu, website, mạng xã hội, không khó để thấy hàng loạt đơn vị tự nhận là "số 1 Việt Nam", "thương hiệu hàng đầu Việt Nam", "dịch vụ tốt nhất thị trường"...
Thế nhưng, rất ít trong số đó có dẫn chứng cụ thể về bảng xếp hạng, khảo sát khách hàng, chứng nhận từ tổ chức độc lập hay cơ quan nhà nước. Ví dụ, các trung tâm luyện thi IELTS tự nhận là "số 1 Việt Nam" liệu có căn cứ nào để so sánh và khẳng định như vậy? Dựa vào số lượng học viên? Điểm số trung bình? Tỉ lệ học viên đạt mục tiêu? Hay chỉ đơn giản là… tự phong?

Các Trung tâm Anh ngữ hay sử dụng cụm từ số 1 khi quảng bá, tuy nhiên nhiều phụ huynh, học sinh chữa rõ căn cứ nào để sử dụng cụm từ đó.
Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vô tư sử dụng các từ ngữ đó trong chiến dịch tiếp thị, trong khi khách hàng khó tiếp cận các minh chứng cho việc đó (việc dùng từ như "số một", "nhất"…). Việc vô tư sử dụng các từ ngữ mang tính chất tuyệt đối phổ biến đến mức đã trở thành "bình thường" trong suy nghĩ của cả người làm quảng cáo lẫn người tiếp nhận thông tin. Đôi khi, chính người tiêu dùng cũng mất cảnh giác và chấp nhận điều đó như một phần của văn hóa tiếp thị, dù thâm tâm không hoàn toàn tin tưởng.
Vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn?
Việc các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vô tư sử dụng các từ ngữ quảng cáo thổi phồng do thiếu kiểm soát chặt chẽ. Dù pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về việc cấm sử dụng các từ ngữ tuyệt đối trong quảng cáo nếu không có căn cứ, nhưng khâu kiểm tra, xử lý còn lỏng lẻo. Nhiều vi phạm vẫn chưa bị xử lý nghiêm hoặc chỉ bị nhắc nhở nhẹ.
Tâm lý đám đông và cạnh tranh áp lực: Trong một thị trường mà ai cũng "số 1", nếu bạn không theo, bạn dễ bị tụt lại. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập đặc biệt dễ sa vào việc dùng từ ngữ gây ấn tượng thay vì đầu tư vào chất lượng thật sự.
Thiếu hiểu biết pháp lý và đạo đức nghề nghiệp: Nhiều cá nhân và đơn vị làm truyền thông quảng cáo không nắm rõ quy định, hoặc cố tình phớt lờ, miễn sao thu hút được sự chú ý.

Các đơn vị cần cung cấp các minh chứng cho các thông tin này khi sử dụng các cụm từ "nhất", "số 1"
Việc sử dụng từ ngữ thổi phồng trong quảng cáo không chỉ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, mà còn làm xói mòn niềm tin xã hội. Khi người tiêu dùng không còn tin vào những gì họ thấy, nghe, hay đọc – không chỉ một thương hiệu bị ảnh hưởng mà toàn bộ ngành hàng, lĩnh vực cũng chịu hệ lụy. Ngoài ra, các doanh nghiệp trung thực, nghiêm túc với chất lượng thực sự lại bị đặt vào thế bất lợi. Họ không thể nổi bật giữa "rừng" quảng cáo ngoa ngôn, dù sản phẩm hay dịch vụ vượt trội hơn nhiều.
Cũng cần nhìn nhận, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, việc sử dụng những cụm từ mạnh để thu hút sự chú ý là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi quảng cáo vượt qua ranh giới của sự trung thực, nó không còn là tiếp thị, mà là sự thao túng thông tin.
Giải pháp nào cho bài toán quảng cáo minh bạch?
Để xây dựng một môi môi trường quảng cáo công khai minh bạch, thực chất, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý và xử phạt nghiêm các hành vi quảng cáo tự phong. Cần có các chiến dịch kiểm tra thực tế, xử phạt công khai các đơn vị vi phạm, điều này không chỉ răn đe mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đào tạo và nâng cao nhận thức pháp luật cho người làm marketing, truyền thông: Cần có các khóa học, hội thảo phổ cập pháp lý, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn, hãy đặt câu hỏi khi thấy những quảng cáo "số 1" – họ căn cứ vào đâu? Có chứng nhận nào? Có phản hồi thực tế không? Sự cảnh giác chính là lớp bảo vệ đầu tiên của chính bạn.

Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kovibe bị Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 80 triệu đồng vì quảng cáo sai quy định, nguồn Cổng thông tin Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh
Quảng cáo là một phần không thể thiếu trong kinh doanh hiện đại, nhưng nếu thiếu trung thực, nó không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của doanh nghiệp mà còn gây hệ lụy xã hội sâu rộng. Đã đến lúc các tổ chức, cá nhân và cơ quan chức năng cần chung tay lập lại trật tự trong lĩnh vực quảng cáo, trả lại giá trị thực cho người tiêu dùng và sự công bằng cho thị trường.
Châu Nguyên
Tính đến hết ngày 11/4/2025, toàn ngành ngân hàng đã có hơn 108,1 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VneID.