Số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh năm 2024 chỉ chiếm khoảng 21%
Số liệu quản lý thu thuế giai đoạn từ năm 2022 đến 2024 cho thấy, kết quả tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT có xu hướng tăng, tuy nhiên, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh vẫn rất thấp, dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng năm 2024, chỉ chiếm khoảng 21%.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng mạnh, từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên 20,5 tỷ USD năm 2023, ước đạt 25 tỷ USD (tương đương khoảng 630.000 tỷ đồng) trong năm 2024.
Số liệu thu thuế giai đoạn 2022-2024 cho thấy, tổng số thuế từ TMĐT tăng từ 83.000 tỷ đồng (2022) lên 97.000 tỷ đồng (2023) và 116.000 tỷ đồng (2024). Tuy nhiên, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh vẫn rất thấp, chỉ 183 tỷ đồng (2022), 67 tỷ đồng (2023) và dự kiến 2.500 tỷ đồng (2024) từ hơn 300.000 cá nhân trên 400 sàn TMĐT, lần lượt chiếm 2,2%, 0,6%, 21% tổng thu.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hộ, cá nhân bán hàng online. Ảnh: Internet
Tổng thu thuế từ TMĐT (doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam) chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu thị trường, có xu hướng giảm từ 20,1% (2022) xuống 17,4% (2024).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính "hiện nay, việc quản lý thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số đang do các Cục Thuế, Chi cục Thuế quản lý thu nên chưa thực sự hiệu quả, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT rất nhỏ so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh TMĐT, nền tảng số".
Bên cạnh đó, một số lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT chưa định danh được người bán, thống kê tại 5 sàn TMĐT lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab thì có hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng với doanh số kinh doanh trên 70.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy việc xây dựng Nghị định nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số và các hoạt động kinh tế số khác; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Đồng thời đảm bảo các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như các đối tượng kinh doanh khác; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian, tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số trong việc hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện quản lý thu thuế.
"Việc này sẽ giúp tăng thu ngân sách Nhà nước với thu nhập từ kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn, nhất là các đối tượng chưa định danh được", Bộ Tài chính nêu. Cơ quan này cũng cho biết đây là cách được nhiều quốc gia đang áp dụng, như Anh, Mỹ, Australia, Đức, Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng (khoảng 160 tỷ USD).