Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... chiếm tới 80% kim ngạch. Trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đem về 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... chiếm tới 80% kim ngạch; 20% còn lại là châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông.
Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung Quốc, Việt Nam đang xuất khẩu 14 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, khoai lang, dừa, ngoài ra tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.
Hiện nay, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu quả có múi (bưởi), dược liệu và trái sầu riêng đông lạnh.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long (trắng, đỏ), xoài, bưởi từ Việt Nam.
Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu rau quả của Việt Nam, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 157 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.
Với Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long, xoài, nhãn vải và đang đàm phán để xuất khẩu trái bưởi.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị Đông Bắc Á không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics và duy trì được chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra. Các cơ quan quản lý, địa phương và cả doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ nông dân nâng cao nhận thức, năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường; cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, góp phần xây dựng và củng cố thương hiệu trái cây, nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Minh An (t/h)Theo đề xuất mới, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).