Thanh long lấy lại vị thế trong ngành hàng trái cây xuất khẩu

Xuất nhập khẩu
10:15 AM 01/08/2024

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm xuất khẩu thanh long đạt kim ngạch 292 triệu USD.

Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã thông tin về giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2024. Sầu riêng, thanh long, chuối... là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh long lấy lại vị thế trong ngành hàng trái cây xuất khẩu- Ảnh 1.

Thanh long Việt Nam lấy lại thứ hạng trên thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục duy trì vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu với 1,323 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 với 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh long được yêu thích tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, 90% thanh long nhập khẩu của Trung Quốc là thanh long Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2024, thị trường Trung Quốc giảm giá trị nhập khẩu đến 26% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.

Hiện nay hầu hết các thị trường nhập khẩu thanh long ngoài Trung Quốc đều có giá trị tăng, như: Ấn Độ 21 triệu USD, tăng 35%; Mỹ 18 triệu USD, tăng 90%; Hàn Quốc 10 triệu USD, tăng 36%; UAE 7,8 triệu USD, tăng 60%…

Điều này cho thấy, việc chuyển hướng thị trường để giữ thị phần và khẳng định chất lượng, giá trị của thanh long Việt xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Trong khi đó, giống chủ lực của Việt Nam là thanh long vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đẹp, nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch.

Thêm vào đó, diện tích trồng thanh long một số nước thời gian qua có xu hướng tăng nên tính cạnh tranh tăng cao. Riêng Ấn Độ, đây là thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.

Tại hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thanh long đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Mặt khác cần lấy thị trường làm trọng tâm để điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu. Sản xuất thanh long bền vững cần sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải các bon.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.