Hà Nội đón gần 740 nghìn lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 đến hết ngày 1/5), Hà Nội ước đón 737,9 nghìn lượt khách du lịch, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 27/4/2024 đến hết ngày 01/5/2024), Thủ đô Hà Nội ước đón 737,9 nghìn lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023, Hà Nội đón gần 710 nghìn lượt khách). Bao gồm 87,9 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước và 650 nghìn lượt khách du lịch nội địa, tương đương so với cùng kỳ 2023 (do kỳ nghỉ lễ năm nay thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến lượng khách tại các khu điểm du lịch trên địa bàn). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung tháng 4/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,52 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 638 nghìn lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 450 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 1,89 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.347 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội dự kiến, tổng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 9,25 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 2,22 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 1,56 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 7,033 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 37.237 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2024 được nghỉ 05 ngày nên nhu cầu nghỉ ngơi, đi du lịch tăng cao. Các khu nghỉ dưỡng ngoại thành và các khu căn hộ cao cấp, khối khách sạn 3-5 sao công suất sử dụng phòng khá cao như: khách sạn Glory Sơn Tây đạt 95%; khách sạn Silkpath Boutique đạt 94%, khách sạn Melia Ba Vì đạt 90%, khách sạn InterContinental Tây Hồ đạt 77%, khách sạn Hilton Garden Inn đạt 77%, khách sạn Lacasa HN đạt 78,6%;…. Ước tính kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 60,4%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với các trung tâm thương mại, dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, lượng khách và doanh thu đều tăng cao, ước đạt khoảng 62%, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là dịch vụ ăn uống.
Do đó, đây cũng là cơ hội lớn của ngành Du lịch gia tăng sức hút với du khách, vì vậy thời điểm này cũng được xem là dịp để du lịch Thủ đô triển khai nhiều hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến và kích cầu du lịch hấp dẫn, gia tăng sức hút với du khách. Cụ thể, thành phố Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024, trong đó ngành Du lịch Thủ đô với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung quảng bá hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn.
Cũng trong dịp này, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai trương sản phẩm du lịch mới "Con đường di sản Nam Thăng Long - Điểm về nguồn cội"; Công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì.
Bên cạnh đó, cuối tháng 4, toàn Thành phố cũng sẽ tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tại các khu, điểm du lịch như: Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 từ ngày 25/4-28/4 với chủ đề "Thăng Long Hà Nội, Thủ đô quyến rũ" tại Công Viên Thống Nhất, trong đó giới thiệu rất nhiều sản phẩm du lịch kích cầu, chất lượng dịch vụ tốt tới du khách khi đến Hà Nội; Lễ công bố Quyết định công nhận điểm du lịch Lệ Mật và khai mạc tuần văn hóa - thương mại - làng nghề gắn với lễ hội truyền thống Lệ Mật, quận Long Biên từ ngày 26/4-02/5; Chuỗi hoạt động sự kiện ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khai mạc chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố" tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội; Tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề "Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới" tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Tái hiện tục Cúng vía của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và tái hiện lễ hội Cầu mưa dân tộc Lô Lô, tỉnh Cao Bằng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Tổ chức không gian chợ quê, trưng bày nghệ thuật và các chương trình văn nghệ để phục vụ du khách tại điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm…
Bên cạnh đó, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm du lịch xanh được ra mắt trong thời gian qua như trải nghiệm xe điện trong lòng phố cổ, tour xe đạp... và khu vực ngoại thành với sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng đang là dòng sản phẩm được đẩy mạnh rất thu hút khách du lịch vào dịp nghỉ lễ này.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.