"Làn sóng" dịch chuyển kinh doanh vào TTTM tăng mạnh

Nhịp cầu BĐS
08:39 AM 19/11/2024

Nhiều khách hàng trước đây tìm kiếm mặt bằng nhà phố để kinh doanh đã chuyển sang thuê các trung tâm thương mại, dù giá thuê trung tâm thương mại thường cao hơn khoảng 20% so với nhà phố cùng diện tích.

Tình trạng hàng quán đóng cửa, trả mặt đang diễn ra tại nhiều khu vực, kể cả những tuyến phố từng được xem là nơi kinh doanh sôi động tại Hà Nội. Ví dụ, trên các tuyến phố sầm uất như Kim Mã, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Tây Sơn… xuất hiện hàng loạt nhà phố dán biển cho thuê cửa hàng, hay thanh lý trả mặt bằng.

Một cửa hàng thời trang thể thao đã tạm dừng kinh doanh trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Tạp chí Tri thức

Một cửa hàng thời trang thể thao đã tạm dừng kinh doanh trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Tạp chí Tri thức

Dù mức giá thuê có chiều hướng đi ngang và giảm xuống, nhưng số lượng nhà mặt phố để trống ngày càng tăng lên. Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cho biết, mặt bằng giá thuê nhà phố Hà Nội phần lớn đang đi ngang, một số nơi tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ.

Cụ thể, nhà phố quận Cầu Giấy, các vị trí mặt tiền kinh doanh đường lớn là các tuyến Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Vũ Phạm Hàm, Trung Kính… với tổng diện tích hơn 200m2 đang có giá thuê hơn 100 - 300 triệu đồng/tháng và đây cũng là mức giá thuê của 8 tháng trước.

Còn nhà phố Hà Nội thuộc các tuyến phố kinh doanh, vị trí mặt tiền đắc địa thuộc Đội Cấn, Liễu Giai, Trúc Bạch, Giảng Võ, Cống Vị… của quận Ba Đình, với diện tích hơn 200 - 500m2, giá thuê dao động từ 150 - 380 triệu đồng/tháng.

Nhiều khách hàng trước đây tìm kiếm mặt bằng nhà phố để kinh doanh đã chuyển sang thuê các trung tâm thương mại, dù giá thuê trung tâm thương mại thường cao hơn khoảng 20% so với nhà phố cùng diện tích. Nhưng lượng khách và dòng người ra vào các trung tâm thương mại lớn giúp tạo ra sức mua cao hơn, điều này khiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả thêm chi phí để có mặt bằng tại đây.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng khiến thị trường nhà phố Hà Nội bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến hiện nay chủ yếu tập trung vào việc phát triển kho bãi để chứa hàng.

“Đồng thời, họ đầu tư mạnh vào marketing và truyền thông trên các nền tảng số, khiến việc thuê mặt bằng tại những vị trí đẹp không còn là yếu tố quan trọng. Do đó, sức hấp dẫn của nhà phố Hà Nội đối với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống đã giảm đi rõ rệt”, vị CEO phân tích.

Còn bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho rằng, thị trường nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng. Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid-19 đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.

Ngoài ra, câu chuyện phát triển của thương mại điện tử đang khiến hoạt động mua sắm diễn ra đa dạng, linh hoạt hơn. Việc thuê mặt bằng để trưng bày sản phẩm dần trở nên không cần thiết.

Chuyên gia của Batdongsan.com.vn dự báo, ngoại trừ các đơn vị kinh doanh hàng ăn - loại hình mà kinh doanh online khó thay thế - hoặc các ngân hàng cần thuê mặt bằng lớn để làm phòng giao dịch, các cá nhân kinh doanh loại hàng hóa thông thường như thời trang sẽ giảm nhu cầu về mặt bằng nhà phố. Trong tương lai xa, nhà phố sẽ quay về đúng với bản chất của một căn nhà, tức phục vụ mục đích để ở hơn là kinh doanh.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.