Ngân hàng tái cấu trúc, áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động
Để thích nghi với công nghệ mới nhiều ngân hàng đã tái cấu trúc mạnh mẽ với kế hoạch tinh gọn bộ máy, áp dụng công nghệ để tối ưu hiệu suất hoạt động và hướng tới tăng trưởng bền vững.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, mặc dù tổng nhân sự toàn ngành tăng so với cùng kỳ, một số ngân hàng đã cắt giảm từ hàng chục tới hàng trăm lao động để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Điển hình như BIDV giảm gần 1.000 nhân sự, VIB giảm 517 nhân viên, Sacombank giảm hơn 400 người. Ở quy mô nhân sự dưới 10.000 người, TPBank, Nam A Bank, ABBank, Kienlongbank cũng đã cắt giảm từ 50 - 60 người trong năm qua.
Riêng tại Agribank, số lượng cán bộ nhân viên bình quân năm 2024 của Agribank lên đến 40.475 người, tăng 1.172 người so với năm 2023. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2024, nhân sự tại Agribank chỉ tăng 241 người so với năm 2023. Điều đó cho thấy nhà băng này không đứng ngoài xu hướng tinh gọn bộ máy của toàn ngành ngân hàng.
Việc tinh gọn bộ máy nhân sự của một số ngân hàng đặt ra trong bối cảnh các đơn vị này tìm cách tiết giảm chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 của các ngân hàng cũng nhấn mạnh, kế hoạch 2025 có trọng tâm nhiệm vụ tái cơ cấu mạnh mẽ thông qua tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại mô hình tổ chức và tinh giảm nhân sự trên toàn hệ thống nhằm tối ưu hiệu suất hoạt động và hướng tới tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã áp dụng các công nghệ hiện đại, phục vụ khách hàng và giảm áp lực công việc cho nhân viên.
Như, BIDV đã triển khai thành công RPA cho 11 luồng nghiệp vụ tại các bộ phận quan trọng như Ngân hàng số, Trung tâm Thẻ và Trung tâm Chăm sóc Khách hàng. TPBank cũng là ngân hàng khởi đầu việc triển khai RPA từ rất sớm với hơn 200 quy trình tự động hóa tại 9 khối nghiệp vụ lõi. Để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong làn sóng chuyển đổi số, các ngân hàng thương mại khác cũng không ngừng đẩy mạnh tự động hóa quy trình nghiệp vụ từ 2021 như HDBank, EximBank, Techcombank,...
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán DNSE, việc chuyển đổi số và triển khai tự động hóa đã đem lại một số hiệu quả vận hành tích cực trong các ngân hàng, như tiết kiệm từ 80-95% thời gian xử lý giao dịch, đối soát, vận hành thẻ và giúp giảm thiểu 99% rủi ro sai sót từ các thao tác thủ công. Đặc biệt, khối lượng công việc do robot ảo thực hiện có thể được quy đổi tới 12.000 giờ lao động/năm, tương đương với 40-60 nhân sự làm việc.
Cùng với sự xuất hiện của các công nghệ mới, những vị trí công việc hấp dẫn nhất sẽ dần xuất hiện, từ việc triển khai, giám sát và cho tới quản lý giải pháp số hóa sẽ được tìm kiếm ngày càng nhiều trong các ngân hàng và tổ chức tài chính với mức đãi ngộ cao. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao kĩ năng, kiến thức số hóa sẽ giúp các nhân sự ngành tài chính - ngân hàng nâng cao hiệu quả làm việc và thích ứng với xu hướng tối ưu của ngành.
Đồng thời, đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính, việc đầu tư vào nhân lực chất lượng cao và xác định lộ trình phát triển công nghệ mới sẽ chìa khóa mở ra lợi thế cạnh tranh rất lớn, giúp toàn ngành bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Minh An (t/h)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2025/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025.