Nhiều dư địa phát triển các công ty bảo hiểm nhân thọ

Doanh nghiệp
02:50 PM 13/02/2025

Việc phát triển công ty bảo hiểm nhân thọ "Made in Vietnam" có dư địa tăng trưởng rất lớn và thị trường cho các doanh nghiệp nội địa vẫn còn dồi dào nếu có chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam đã có gần 30 năm phát triển với nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Tuy vậy đến nay, phần lớn “sân chơi” này đang do các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chi phối.

Nhiều dư địa phát triển các công ty bảo hiểm nhân thọ - Ảnh 1.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT), nhưng chỉ có duy nhất Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp 100% vốn nội địa. Hơn 90% thị trường vẫn do các công ty nước ngoài chi phối, với những cái tên lớn như Prudential (Anh), Manulife (Canada), Dai-ichi Life (Nhật Bản), AIA (Hong Kong), Chubb Life (Mỹ)...

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tính đến cuối 2024, ngành BHNT ghi nhận tổng doanh thu hơn 149 nghìn tỷ đồng. Nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất đang nắm giữ khoảng 76% thị phần, trong đó Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp quốc nội duy nhất trong top 5 với 23,1% thị phần.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện chỉ 11% dân số tham gia BHNT, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (14%), Malaysia (17%), Singapore (30%)... Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, và thị trường cho các doanh nghiệp nội địa vẫn còn dồi dào nếu có chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, quy mô đạt 3,3% - 3,5% và phấn đấu đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Điều này không chỉ tạo tiền đề cho một thị trường BHNT bền vững mà còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phát triển, từng bừng cạnh tranh sòng phẳng và tạo thế cân bằng cho các công ty Việt Nam phát triển ngay trên chính sân nhà.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, nếu có nhiều công ty BHNT trong nước tham gia sâu hơn vào thị trường, phần lợi nhuận này sẽ được tái đầu tư vào nền kinh tế dự kiến nhiều hơn, thay vì “chảy” ra nước ngoài qua các công ty mẹ.

Hơn nữa, khi có nhiều doanh nghiệp BHNT “Made in Vietnam” tham gia vào thị trường không chỉ làm đa dạng hóa sản phẩm mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ. Các công ty trong nước sẽ hiểu rõ hơn về thói quen tài chính, tập quán tiêu dùng của người Việt, từ đó phát triển các sản phẩm phù hợp hơn. Chi phí vận hành được tối ưu hơn do không phải chịu các chi phí phát sinh từ công ty mẹ ở nước ngoài, nhờ đó sẽ tối ưu được quyền lợi hơn cho khách hàng.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp quốc nội khi tham gia kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2023. Đây là con số không nhỏ mà không phải doanh nghiệp nội địa nào cũng dễ dàng tiếp cập để gia nhập thị trường. Cộng với đó là áp lực từ các công ty ngoại đã có chỗ đứng vững chắc khiến cho sự cạnh tranh lại càng trở nên khó khăn hơn.

Chưa kể, sau những sự vụ “khủng hoảng niềm tin” trong thời gian vừa qua càng khiến khách hàng Việt dè dặt hơn đối với các sản phẩm bảo hiểm. Dù năm 2022, trung bình một người Việt Nam chi khoảng 2,5 triệu đồng/năm cho bảo hiểm - tăng gấp đôi so với năm 2017, nhưng niềm tin thị trường vẫn cần thời gian để phục hồi.

Nhằm phát triển ngành BHNT trong nước, nhiều ngân hàng trong nước đang có xu hướng tiến tới mở rộng hệ sinh thái tài chính với kế hoạch sở hữu công ty bảo hiểm nhân thọ riêng. Với tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới khách hàng rộng khắp và chuyển đổi số mạnh mẽ, các ngân hàng có thể khai thác insurtech (công nghệ bảo hiểm) để số hóa sản phẩm, tối ưu chi phí vận hành và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.

Mô hình bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) cũng góp phần giúp các công ty nước ngoài mở rộng thị phần nhanh chóng nhờ vào các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với các ngân hàng trong nước. Điều này tạo lợi thế cho họ, nhưng đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn kinh doanh bảo hiểm nhân thọ trong môi trường đầy khốc liệt này.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận