Thái Nguyên: Về nơi sản xuất một trong "Tứ đại danh trà"
Đã từ lâu, Thái Nguyên được biết đến với các sản phẩm chè Tân Cương nức tiếng, nhiều sản phẩm chè ngon nổi tiếng như trà Tân Cương của TP. Thái Nguyên, chè La Bằng của huyện Đại Từ, chè Khe Cốc của huyện Phú Lương và chè Trại Cài của huyện Đồng Hỷ. Bốn sản phẩm chè này đã làm nên thương hiệu "Tứ đại danh trà" của Thái Nguyên.
Chè Trại Cài, một trong "Tứ đại danh trà" của Thái Nguyên, thuộc xóm Trại Cài thuộc xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, nơi có con sông Cầu chảy qua. Với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi cùng quá trình chăm sóc, chế biến sản phẩm chè tỉ mỉ đã tạo ra sản phẩm chè Trại Cài có hương vị đặc trưng: thanh, mát, chát, làm nên nét riêng biệt với các sản phẩm chè khác.
Toàn xã Minh Lập hiện có 7 hợp tác xã, 1 tổ hợp chế biến chè, các mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, an toàn đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều gia đình đã làm giàu từ cây chè, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo Đề án mỗi xã một sản phẩm, đến nay xã Minh Lập có 6 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 3 sao. Để đưa cây chè trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển bền vững, UBND xã Minh Lập đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây chè.
Hàng năm nhân dân trên địa bàn xã được hỗ trợ giống, máy vò chè, máy sao chè, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND xã hỗ trợ thêm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đề án đã tạo động lực giúp nhân dân tăng diện tích trồng chè, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, đó là những tiêu chí cơ bản giúp xã Minh Lập được công nhận về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Chủ tịch UBND xã Minh Lập, Vũ Văn Mác cho biết: Mục tiêu của việc sản xuất chè hữu cơ là làm ra sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước quy định. Với sản phẩm chè Trại Cài, chúng tôi luôn tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết, quản lý vùng nguyên liệu từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm, giúp nhân dân nâng chất lượng sản phẩm và xúc tiến quảng bá thương hiệu chè Trại Cài.
Hiện nay, toàn xã Minh Lập có tổng diện tích trồng chè đạt 367ha, sản lượng đạt 3.837 tấn, cho thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. Các hợp tác xã sản xuất, chế biến các sản phẩm chè trên địa bàn xã Minh Lập đã ứng dụng công nghệ tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt ở những nơi thâm canh chè vụ Đông.
Ngoài việc đầu tư cho khâu trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm chè, trong thời gian qua các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã Minh Lập đã chú ý, tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, chính vì vậy giá trị sản phẩm chè Trại Cài đã được khẳng định vị trí trên thị trường.
Hiện nay, Thái Nguyên có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao với 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao, trong đó sản phẩm chè chiếm 70% với 121 sản phẩm.
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.