Bất động sản thương mại bán lẻ ngày càng hấp dẫn
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản thương mại bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn với nhiều dư địa và tiềm năng phát triển.
Theo Bản tin thị trường bất động sản tuần 2, tháng 5/2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong hàng thập kỷ. Đồng thời là một trong những ngành có tốc độ phục hồi phục rõ nét nhất dù bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch.
Ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh qua từng năm sau đại dịch. Cụ thể, tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 ngàn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước.
Quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ Việt Nam phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn vượt mức trên 90% với giá thuê duy trì mức tăng trưởng tốt. Tại Hà Nội, giá thuê tại các trung tâm thương mại dao động từ 45-60 USD/m2/tháng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực trung tâm vẫn duy trì giá thuê ở mức cao, khoảng 140 USD/m2/tháng. Giá thuê tại khu vực ngoại trung tâm tăng nhẹ, đạt mức 40 USD/m2/tháng.
Các chuyên gia VARS nhận định, thị trường bất động sản thương mại bán lẻ Việt Nam còn rất hấp dẫn với nhiều dư địa, tiềm năng phát triển bởi có nhiều yếu tố thúc đẩy.
Thứ nhất, sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số, tốc độ phát triển đô thị và thu nhập, đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
Thứ hai, chính sách đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kết nối giữa các khu vực đô thị.
Thứ ba, các khu vực du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng,... đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp bán lẻ với tiềm năng phát triển dài hạn.
Cuối cùng, người tiêu dùng ở Việt Nam đang trở nên ngày càng thông minh và có nhu cầu cao về trải nghiệm mua sắm. Họ không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mà còn đòi hỏi sự đa dạng và tiện lợi trong việc mua hàng. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhãn hàng bán lẻ để phát triển các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả các trung tâm mua sắm tích hợp nhiều dịch vụ, khu vực mua sắm dành riêng cho giải trí và ẩm thực, và các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm.
VARS cũng đã đưa ra thông tin về một số tập đoàn có kế hoạch nhân rộng mô hình bán lẻ tại Việt Nam, bao gồm Central Retail (Thái Lan) với kế hoạch nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 50 tỉnh, thành phố cả nước; Aeon (Nhật Bản) với kế hoạch đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam (3-4 dự án tại Hà Nội); FujiMart Việt Nam với kế hoạch phát triển đạt tổng cộng 50 siêu thị vào năm 2028.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển ổn định và thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cùng với việc đồng bộ chính sách, bất động sản sẽ hấp dẫn nguồn vốn đầu tư, nhất là khi hạ tầng đang ngày càng phát triển cũng tạo ra những trợ lực đáng kể. Trong đó, khu vực miền Bắc đang cho thấy tín hiệu khả quan hơn so với miền Trung và miền Nam. Có thể kể đến như Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ là những điểm sáng.
Minh An (t/h)Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch.