Đạo đức kinh doanh: "Chìa khóa" xây dựng thị trường minh bạch và sản phẩm an toàn
Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng phức tạp, đạo đức kinh doanh trở thành định hướng cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Bởi chỉ khi đặt sự trung thực và trách nhiệm lên hàng đầu, doanh nghiệp mới có thể xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Người tiêu dùng mất lòng tin
Thời gian qua, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã liên tục triệt phá các đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến dán nhãn giả thực phẩm hữu cơ, sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc hay làm nhái thương hiệu để trục lợi. Các hành vi này không chỉ gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm suy giảm niềm tin vào thị trường nội địa.
Mới đây, vụ triệt phá xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (xã Thụy Vân, TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã vén màn bức tranh về quy mô và sự tinh vi của các đường dây sản xuất hàng giả.

Xưởng sản xuất mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả cùng gần 84 tấn phụ gia và 1,5 triệu bao bì giả mạo các thương hiệu uy tín đã bị cơ quan công an thu giữ. Đáng chú ý, các sản phẩm giả mạo này đã nhắm thẳng vào các bếp ăn tại khu công nghiệp, nơi hàng ngàn công nhân lao động đang ngày đêm lao động sản xuất.

Các sản phẩm hàng giả bị thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Ngoài Công ty TNHH Famimoto Việt Nam còn rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác vẫn đang hàng ngày "tiếp tay" trà trộn sản phẩm giả, kém chất lượng trong thị trường hàng hóa. Các doanh nghiệp chỉ vì mục tiêu lợi nhuận đã bất chấp đạo đức kinh doanh để đánh tráo nguồn gốc, làm giả thương hiệu...
Những hành vi gian dối này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn làm dấy lên tâm lý hoang mang, mất niềm tin vào hệ thống phân phối và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Từ rau củ phun hóa chất, thịt tẩm ướp chất cấm đến hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc bày bán công khai, người dân ngày càng lúng túng trong việc lựa chọn các thực phẩm an toàn cho cuộc sống hàng ngày. Điều đáng lo ngại hơn là không ít vi phạm lại xuất phát từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có đăng ký hoạt động chính thức, khiến câu hỏi về trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.
Cần nâng cao đạo đức kinh doanh
Mới đây, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có những trao đổi về giải pháp ngăn chặn thực phẩm giả. Theo bà Nga, để đảm bảo người dân được tiếp cận với các sản phẩm an toàn và chất lượng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
"Sự trung thực và trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng", bà Nga nhấn mạnh.
Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường vào cuộc thì vấn đề tự ý thức và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Khi mỗi doanh nghiệp đều tự soi lại mình, đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, thì cũng là lúc nền kinh tế dần loại bỏ được những “hạt sạn” làm méo mó môi trường kinh doanh.
Thời gian qua, nhiều chương trình như “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng”, hay các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đã góp phần định hình xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp chuyển biến từ “chạy theo lợi nhuận” sang “hướng đến giá trị bền vững”. Trong đó, đạo đức kinh doanh đóng vai trò như một “bộ lọc” để doanh nghiệp tự điều chỉnh hành vi, hướng đến phát triển lâu dài thay vì lợi ích nhất thời.
Rất nhiều doanh nghiệp chân chính đã kiên định chọn lối đi tử tế - lấy đạo đức và minh bạch làm kim chỉ nam cho con đường phát triển. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một ví dụ tiêu biểu.
Trong hơn 10 năm phát triển các trang trại bò sữa theo tiêu chuẩn Global G.A.P và Organic châu Âu, Vinamilk không chỉ đầu tư công nghệ mà còn minh bạch toàn bộ quy trình, từ nguồn gốc thức ăn, nước uống cho bò, đến kiểm nghiệm sữa đầu ra. Đặc biệt, Vinamilk từng chủ động thu hồi sản phẩm có nghi ngờ về chất lượng dù chưa có kết luận chính thức, thể hiện rõ trách nhiệm đạo đức với người tiêu dùng.

Vinamilk là một doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ sữa tại thị trường Việt Nam.
Trong ngành nông sản, Công ty TNHH Dalat GAP là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình canh tác "truy xuất từ nông trại đến bàn ăn" tại Đà Lạt. Dalat GAP yêu cầu nông dân ký cam kết đạo đức: không sử dụng thuốc cấm, không giấu giếm thời gian thu hoạch, và minh bạch sổ nhật ký chăm bón. Chính việc đặt nền tảng đạo đức lên hàng đầu đã giúp Dalat GAP đứng vững trên thị trường.
Ở lĩnh vực thực phẩm chế biến, Masan Consumer là một trường hợp điển hình khác. Trong suốt quá trình phát triển sản phẩm thịt mát MEATDeli, doanh nghiệp này xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị khép kín với kiểm định từ giống, thức ăn, giết mổ đến vận chuyển, bảo quản. Công ty rất chú trọng đầu tư đảm bảo điều kiện vệ sinh và kiểm soát nhiệt độ theo chuẩn châu Âu - thể hiện cam kết đạo đức không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể và chi phí thực tế.

Thực tế chứng minh rằng, không một thương hiệu nào có thể tồn tại lâu dài nếu dựa vào sự gian dối. Không một ngành hàng nào có thể vươn ra quốc tế nếu không khẳng định được sự minh bạch. Vì thế, xây dựng nền sản xuất hàng thật, thực phẩm sạch không thể chỉ dừng ở việc "truy trách nhiệm" hay "đòi chứng nhận", mà phải bắt đầu từ nền tảng đạo đức kinh doanh – coi người tiêu dùng là trung tâm, coi sự thật là giá trị cốt lõi.
Trong thời đại mà người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo, truyền thông ngày càng minh bạch, thì trung thực và có trách nhiệm chính là “vốn liếng” lâu dài của doanh nghiệp. Đạo đức kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước những biến động thị trường, mà còn góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đó là con đường không dễ đi, nhưng là con đường đúng và duy nhất nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong xã hội.
Đăng Khoa
Thường trực Chính phủ chỉ đạo tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 20 Tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đa quốc gia.