Hàng giả tràn lan: Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ thương hiệu?
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang trở thành thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về doanh thu, hàng giả còn đe dọa nghiêm trọng đến uy tín, giá trị thương hiệu – tài sản vô hình nhưng vô cùng quý giá của mỗi doanh nghiệp.
Không còn bó hẹp ở các khu chợ truyền thống, hàng giả ngày nay đã tràn vào mọi kênh phân phối, từ cửa hàng bán lẻ, đại lý, đến các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hơn 3.500 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, trong đó gần 40% xảy ra trên môi trường online. Từ thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, đến linh kiện điện tử, quần áo, giày dép, Các sản phẩm bị làm giả thường có bao bì giống thật đến 90%, khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, MXH. Ảnh: Quyên Lưu
Thậm chí, hàng giả còn "chui" vào cả hệ thống phân phối chính thức, lợi dụng kẽ hở từ các đại lý, chi nhánh phụ, khiến doanh nghiệp vừa thiệt hại doanh thu, vừa mất niềm tin khách hàng.
Một trong những nguyên nhân khiến hàng giả tràn lan là do lợi nhuận cao, chi phí sản xuất thấp, trong khi chế tài xử phạt vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, dễ bị thu hút bởi giá rẻ mà bỏ qua yếu tố chất lượng và nguồn gốc hàng hóa.
Hậu quả mà hàng giả để lại cho doanh nghiệp là vô cùng nặng nề. Khi người tiêu dùng mua phải hàng giả nhưng gắn mác thương hiệu thật, niềm tin bị xói mòn và thương hiệu dần mất chỗ đứng. Nhiều doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại về tài chính, tốn kém trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông, thậm chí là kiện tụng pháp lý kéo dài.
Điển hình là không ít thương hiệu lớn trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, hoặc thực phẩm chức năng đã từng đối mặt với "cơn bão" dư luận vì sản phẩm bị làm giả lưu hành trên thị trường. Trước thực trạng trên, việc chủ động bảo vệ thương hiệu không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ chống giả hiện đại: Doanh nghiệp cần đầu tư vào các giải pháp xác thực sản phẩm như tem chống giả tích hợp QR code, công nghệ blockchain, công nghệ truy xuất nguồn gốc, tem điện tử thông minh. Đây là "hàng rào bảo vệ" giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt thật giả, đồng thời hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra.

Minh họa mẫu tem chống giả tích hợp công nghệ do Công ty CP giải pháp chống giả An Hà phát hành
Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ: Tên thương hiệu, kiểu dáng bao bì, mẫu mã sản phẩm cần được đăng ký bảo hộ sớm tại Cục Sở hữu trí tuệ để tạo căn cứ pháp lý khi xảy ra tranh chấp hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng: Truyền thông minh bạch, giáo dục thị trường là yếu tố quan trọng. Khi người tiêu dùng hiểu rõ lợi ích của hàng thật, họ sẽ trở thành "người gác cổng" cùng doanh nghiệp chống lại hàng giả.
Phối hợp với lực lượng chức năng và hiệp hội ngành nghề: Tham gia tích cực vào các chương trình chống hàng giả, chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện vi phạm, đồng thời kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn.
Trong "cuộc chiến" chống hàng giả, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Chủ động bảo vệ thương hiệu chính là bảo vệ sự sống còn, giữ gìn uy tín và niềm tin khách hàng. Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần xem việc chống hàng giả là một chiến lược dài hạn, song hành cùng phát triển bền vững.

Cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất về thuế quan đã qua, Ngân hàng UOB (Singapore) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay lên mức 6,9% thay vì mức 6% trước đó.