Ngành dệt may năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn

Kinh doanh
10:57 AM 22/05/2024

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, năm 2024 ngành dệt may vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ năm trước, vì thế còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi trong tháng 4 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, ngành dệt may thu về 12,5 tỷ USD từ xuất khẩu, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành dệt may năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn- Ảnh 1.

Ngành dệt may 2024 còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023. Ảnh: Công Thương

Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may chính cũng đang cho thấy sự phục hồi tốt. Điển hình như Mỹ, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, tăng 5,6% lên 4,4 tỷ USD. Hoặc thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng khá 11% bất chấp nền kinh tế khó khăn, đồng yen mất giá.

Một số thị trường ngách ghi nhận bước tăng trưởng đột phá, mặc dù kim ngạch chỉ khoảng vài triệu USD. Điển hình như Bở Biển Ngà ghi nhận mức tăng gấp 27 lần so với cùng kỳ lên 1,2 triệu USD. Hay Ai Cập, Séc, Phần Lan,… đạt mức tăng trưởng 2 - 2,5 lần.

Các chuyên gia nhận định, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Tuy mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng bắt đầu có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp dệt may chuyển từ trạng thái “cái gì cũng làm” sang trạng thái có lựa chọn nên ký hay không, ký bao nhiêu, không ký nhiều quá trong điều kiện giá vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS nhận định, mặc dù ngành dệt may đã có khởi đầu khá thuận lợi nhưng năm 2024 chưa phải là năm sáng sủa của ngành dệt may mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt là việc tăng phí từ vận tải biển do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ, khách hàng gây áp lực buộc doanh nghiệp dệt may phải chia sẻ. Bên cạnh đó là áp lực thời gian giao hàng lớn khi tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng.

Cụ thể, trong tháng 1/2024, chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023. Yêu cầu thời gian giao hàng giảm từ 120 - 140 ngày xuống 80 - 90 ngày. Đồng thời, các đơn vị đều có hạn mức tín dụng thấp hơn so với năm trước khiến yêu cầu tốc độ xoay chuyển dòng vốn phải nhanh hơn trước rất nhiều.

Thậm chí những chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cũng tạo ra những biến động lao động. Cùng đó là các loại chi phí đầu vào sản xuất đều tăng như lương tối thiểu tăng… nhưng giá sản phẩm không tăng. 

VITAS cho rằng, áp lực lâu dài đối với ngành dệt may còn là những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Đơn cử, thị trường EU đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, chiến lược dệt may bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được. Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây.

Ngoài ra, vấn đề lao động cũng là khó khăn lớn với ngành may trong năm 2024. Dù đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động, bởi nửa đầu năm 2023, gần 80.000 lao động mất việc làm, lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các quốc gia khác về thị trường xuất khẩu cũng luôn thường trực. 

Để ngành giày da phát triển bền vững, các DN đã đề xuất cần hình thành khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành giày da, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ với các cơ chế, chính sách thích hợp.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.