Siết chặt hậu kiểm quảng cáo để bảo vệ cộng đồng
Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, quảng cáo thực phẩm chức năng và thực phẩm nói chung đã trở nên rất phổ biến. Bên cạnh những lợi ích của sự phát triển thị trường và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, thì cũng nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trước thực trạng đó, ngày 6/5/2025, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 960/ATTP-NĐTT, đề nghị hậu kiểm toàn diện hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trên toàn quốc.
Động thái này nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo tại Kế hoạch số 11/KH-BCĐTƯATTP ngày 03/01/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, cùng Công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4/2025 của Bộ Y tế. Đây là bước đi cần thiết, kịp thời và quyết liệt trong bối cảnh người tiêu dùng đang ngày càng bị "bủa vây" bởi những thông tin quảng cáo thiếu kiểm chứng, thậm chí là sai lệch, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Ngày 28/4/2025, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đối với Phạt BTV Quang Minh, MC Thanh Vân Hugo với tổng mức phạt là 107,5 triệu đồng vụ quảng cáo sữa HIUP
Bức tranh quảng cáo thực phẩm: Nhiễu loạn và thiếu kiểm soát
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nhưng trên thực tế, không ít sản phẩm đang được quảng cáo như "thần dược" chữa bách bệnh. Từ mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử hay các website không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những lời mời gọi như: "điều trị ung thư", "chữa tiểu đường không cần thuốc", "hồi phục gan thận trong 7 ngày"… Không chỉ dừng lại ở việc phóng đại, một số đơn vị còn dùng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia y tế, thậm chí giả danh các tổ chức uy tín để tạo dựng niềm tin giả tạo cho sản phẩm.
Điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng - nhất là người lớn tuổi, người ở vùng sâu vùng xa - thiếu thông tin, dễ bị dụ dỗ mua và sử dụng các sản phẩm này mà không hề biết rằng chúng chưa từng được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, cấp phép hoặc đã từng bị xử phạt. Hậu quả không chỉ là thiệt hại về tiền bạc, mà còn là những rủi ro sức khỏe khó lường, thậm chí đe dọa tính mạng.
Hậu kiểm: "Lá chắn" cần thiết cho sức khỏe cộng đồng
Trước tình trạng đó, công văn mới nhất của Cục An toàn thực phẩm đã nêu rõ yêu cầu: Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan.
Thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link,địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.
Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, đề nghị đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa địa phương hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phụ trách mạng xã hội, website... Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.

Mới đây thực phẩm bảo vệ sức khỏe Best Slim Collagen và Dáng xuân Phục linh Gold bị Cục An toàn thực phẩm đề nghị thu hồi. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm
Trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý
Tuy nhiên, để việc hậu kiểm đạt hiệu quả cao nhất, cần sự vào cuộc không chỉ từ cơ quan quản lý mà còn từ chính doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp, việc tuân thủ pháp luật không nên chỉ là "đối phó" với kiểm tra, mà cần xuất phát từ ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Lợi ích kinh doanh không thể đặt trên sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Một chiến lược quảng bá trung thực, minh bạch, tôn trọng quy định pháp luật sẽ mang lại giá trị bền vững hơn là những chiêu trò đánh bóng nhất thời.

Sản phẩm Best Slim Collagen được bán trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Về phía người tiêu dùng, cũng cần nâng cao kỹ năng nhận diện quảng cáo sai lệch, chủ động tìm hiểu nguồn gốc, thành phần và giấy phép lưu hành của sản phẩm. Không nên tin tưởng tuyệt đối vào lời quảng cáo trên mạng, nhất là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có thông tin kiểm định. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể tham gia phản ánh, báo cáo vi phạm đến cơ quan chức năng - đây là một kênh thông tin vô cùng giá trị trong thời đại số.
Hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Để làm được điều đó, không chỉ cần sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp quản lý, mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội: từ doanh nghiệp, cơ quan truyền thông đến người dân.

Công văn 960/ATTP-NĐTT ngày 6/5/2025 của Cục an toàn thực phẩm
Công văn 960/ATTP-NĐTT ngày 6/5/2025 là một bước đi tích cực, mở đầu cho chiến dịch tổng kiểm tra và làm lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng vốn đang bị "ô nhiễm thông tin" nghiêm trọng. Nhưng quan trọng hơn, đó là lời cảnh tỉnh đối với những doanh nghiệp đang lợi dụng lòng tin và sự cả tin của người tiêu dùng để trục lợi. Một thị trường chỉ có thể phát triển bền vững khi niềm tin được đặt đúng chỗ và được bảo vệ bởi pháp luật một cách công bằng, nghiêm minh.
Châu Nguyên
Trong quá trình phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn.