5 giải pháp phát triển bền vững năm 2025 của ngành dệt may
Chuyển đổi xanh giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh quốc tế. Để đạt mục tiêu năm 2025, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã xác định 5 giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng trưởng ổn định so với 2023. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 47- 48 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, cũng như mục tiêu chuyển đổi xanh ngành dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam xác định 5 giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, về đầu tư, hiệp hội thu hút các dự án dệt nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may.
Thứ hai, về thị trường, đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, khách hàng, thị trường, sản phẩm; nâng cao năng lực marketing, tìm kiếm khách hàng trực tiếp; tăng cường liên kết chuyển dần từ sản xuất gia công sang các phương thức sản xuất cao hơn; phát triển thương hiệu, sản phẩm mới.
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, hiệp hội phối hợp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho quản trị, quản lý kỹ thuật, thiết kế, cho công nghệ mới, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Thứ tư là giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu, nguyên liệu mới thân thiện môi trường hoặc chuyển giao công nghệ; quản lý chất lượng toàn diện; nâng cao năng lực cơ sở nghiên cứu, chất lượng các đề tài. Cùng đó, nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số.
Cuối cùng là giải pháp về huy động vốn cho xây dựng các khu công nghiệp lớn, xử lý nước thải, điện áp mái, trung tâm thời trang; triển khai chương trình về tín dụng xanh, cho thuê tài chính chuyển đổi công nghệ xanh, tái chế; vốn cho phát triển cây nguyên liệu sẵn có trong nước (dâu tằm, đay, gai, chuối, dứa…).
Phát triển bền vững vừa là cơ hội nhưng cũng mang lại thách thức với doanh nghiệp. Về cơ hội, doanh nghiệp có khả năng tối ưu hóa quy trình sản xuất; kiểm soát định mức, giảm chi phí và tài nguyên đầu vào; giảm phát thải, tạo dựng nền tảng vững chắc để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn…
Tuy nhiên, để có được những cơ hội đó, doanh nghiệp dệt may phải giải quyết được "bài toán" chi phí cho ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chi phí về chuyển đổi xanh. Cùng đó, làm sao thích ứng được với sự thay đổi của thị trường và người tiêu dùng…
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may trong nước nỗ lực giảm mức tiêu thụ tài nguyên, hạn chế tác động đến môi trường; cân đối net zero nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, tìm giải pháp khép kín hơn nữa vòng lặp lại của quy trình sản xuất.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.