Doanh nghiệp nhựa vẫn chuộng nguyên liệu nhập khẩu
Ngành nhựa được xem là một trong những ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chưa "mặn mà" nguyên liệu sản xuất trong nước.
Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã và đang sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu; trong đó, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản...

Ảnh minh họa. Nguồn: Công Thương
Tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam trong 5 năm qua luôn đạt ở mức hai con số từ 12-15%/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng hơn 30% nhu cầu thị trường nội địa, còn lại 70% được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cụ thể, năm 2024, ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu 8,5 triệu tấn hạt nhựa nguyên sinh và tái chế, lượng nhựa phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đạt trung bình 0,5 triệu tấn/năm. Các mặt hàng nhựa PP có kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, còn nhập khẩu các mặt hàng nhựa PE đạt 2 tỷ USD.
Riêng hồi quý 1/2025, cả nước đã nhập khẩu 2,28 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu (hay còn gọi là nhựa hoặc polymer) với trị giá 3,02 tỷ USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 20,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.
VPA cho biết, ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc đến 70% từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam, chiếm 29,2% thị phần.
Những con số trên cho thấy, các DN nhựa vẫn ưa chuộng nguồn nhập khẩu vì giá rẻ hơn khá nhiều.
Tuy nhiên, theo VPA, khi các DN nhựa vẫn chưa mặn với nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước (như nguồn cung từ Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP)) và phụ thuộc quá lớn vào lượng nhập khẩu hạt nhựa sẽ khiến cho họ dễ dẫn đến rủi ro rơi vào thế bị động khi giá nguyên liệu nhập khẩu chịu tác động từ giá dầu, giá nhựa, tỷ giá trên thế giới và vấn đề logistics.
Trong khi đó, để Việt Nam có thể tự cung cấp một nửa nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa cũng là cả vấn đề thách thức khi mà năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước vẫn còn nhiều thách thức, thậm chí phải tạm đóng cửa như trường hợp của LSP dù cho họ là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Không riêng gì ngành nhựa, thực tế cho thấy ở một số ngành hàng chủ lực khác như ngành dệt may, da giày hay năng lượng tái tạo... thì phía DN sản xuất vẫn chưa mặn mà với nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước khi vấp phải vấn đề tương tự như ngành nhựa, từ giá cả cho đến năng lực cung ứng.
TS. Nguyễn Vĩnh Khương, chuyên gia khoa học công nghệ khuyến nghị cần thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua hỗ trợ tài chính, giảm thuế và các quy trình quản lý liền mạch. Nhất là tăng cường quan hệ đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lực và liên doanh, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu.
Xét riêng với lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp nên phát triển năng lực sản xuất các tấm năng lượng mặt trời, ắc quy trữ năng và những công nghệ liên quan ngay trong nước, đồng thời tạo ra việc làm mang lại giá trị cao và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Các hiệp định thương mại (FTA) hiện có sẽ cho Việt Nam khả năng tiếp cập đầy cạnh tranh vào các thị trường đa dạng, thu hút đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Ông Hoàng Đức Vượng, Phó Chủ tịch VPA, cho rằng để xây dựng một ngành công nghiệp nhựa phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường tái chế. Chính phủ cần quy định tỉ lệ sử dụng nhựa tái chế trong sản phẩm, tạo điều kiện cho ngành tái chế phát triển ổn định, tránh tình trạng bấp bênh do cạnh tranh với nhựa nguyên sinh.
Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các quy định và tiêu chuẩn cho ngành nhựa, định hướng sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất, thiết lập các tiêu chuẩn thiết kế bao bì thân thiện với môi trường.
Việc chuẩn bị cho một tương lai bền vững không chỉ mang đến lợi ích cho ngành nhựa mà còn cho toàn bộ nền kinh tế. Từ việc cung cấp cơ hội việc làm đến việc góp phần bảo vệ môi trường, ngành nhựa có thể trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển xanh.
Minh An (t/h)
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hiện thẩm quyền cho vay đặc biệt 0% một năm, không có tài sản đảm bảo là của Thủ tướng. Nhưng ở lần sửa luật này cơ quan quản lý đề xuất phân quyền quyết việc này cho Ngân hàng Nhà nước.