Ngành gốm sứ đổi mới công nghệ, thay đổi chiến lược để phát triển bền vững
Ngành gốm sứ Việt Nam tuy đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, nhưng vẫn cần thay đổi, đổi mới về công nghệ, áp dụng công nghệ số để tăng trưởng bền vững hơn.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu gốm sứ đạt 674,4 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Bên cạnh chinh phục được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), EU, Thái Lan… gốm sứ Việt Nam cũng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Nhiều thương hiệu gốm sứ đã định hình tốt trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như gốm Minh Long, gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng… Nhiều sản phẩm đã được vinh danh thương hiệu quốc gia.
Tại Tọa đàm “Kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành gốm sứ, thủy tinh trong kỷ nguyên mới”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, cho biết ngành gốm sứ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gốm sứ xây dựng như thiếu nguyên liệu sản xuất; giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá sản phẩm cuối cùng không tăng; thị trường bất động sản trong nước trầm lắng; thị trường xuất khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay ở thị trường nội địa và xuất khẩu, các thị trường ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe…
Bên cạnh đó, việc mở rộng các kênh thương mại điện tử như Tiktok, Shopee, Lazada... chính là một hướng đi đầy tiềm năng, nhưng vô cùng thách thức do đặc thù riêng của ngành gốm sứ.
Nhưng chính những thách thức lại là cơ hội để toàn ngành thay đổi chiến lược, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu nghiên cứu, sản xuất, logistics… nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới - trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành.
Theo Bộ Công Thương, trong dài hạn, ngành gốm sứ Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng, nhờ vào sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự đổi mới trong thiết kế và sản phẩm… Trong đó, nhu cầu về sản phẩm gốm sứ, đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ cao cấp và nghệ thuật, đang gia tăng trên toàn cầu. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN đều có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ chất lượng.
Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế, như: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh… giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường ngành gốm sứ.
Chính phủ Việt Nam thường xuyên cung cấp các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và đào tạo, đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại do Chính phủ tổ chức giúp doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, tham gia triển lãm quốc tế và xây dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế. Đây là cơ hội cho ngành gốm sứ thuỷ tinh phát triển mạnh và bền vững hơn thời gian tới.
An Mai (t/h)“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.