Còn nhiều dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ

Diễn đàn
07:58 AM 18/05/2025

Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã có bước phát triển tích cực nhưng chưa xứng với tiềm năng hiện có.

Tại Hội thảo về phát triển nông nghiệp hữu cơ do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, ông Trương Xuân Sinh - Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và dịch vụ chất lượng (RETAQ) thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng 174.579,6 ha, chiếm 1,41% so với diện tích sản xuất nông nghiệp; giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Còn nhiều dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Sinh khẳng định, Việt Nam còn nhiều dư địa, tiềm năng cho phát triển hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ cũng như những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do có điều kiện tự nhiên thuận lợi; nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, trái cây nhiệt đới, thủy sản…; nguồn lao động dồi dào. Đặc biệt, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng thị trường nông sản.

Hơn nữa, hiện nay, quan điểm của người tiêu dùng đã khác. Họ ăn ngon thôi chưa đủ, cần ăn sạch, lành mạnh. Điều này tác động lớn tới các phương thức canh tác, đòi hỏi người nông dân, nhà sản xuất phải cùng nhau gắn kết để tạo nên sự thay đổi cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành đề án hoặc kế hoạch và chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của địa phương. 

Vậy nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp nhiều thách thức như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; kỹ thuật và trình độ canh tác chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra chưa ổn định, các chính sách hỗ trợ còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh để khuyến khích DN đầu tư dài hạn. 

Ông Sinh chỉ ra một trường hợp thực tế, đó là một DN chè ở Sơn La triển khai mô hình hữu cơ với quy mô 3ha, đạt năng suất và chất lượng tốt, giá bán cao. Tuy nhiên, khi muốn mở rộng vùng nguyên liệu, DN này gặp khó vì địa phương chưa có quy hoạch sản xuất hữu cơ phù hợp. 

Do đó, để nông sản hữu cơ phát triển bền vững, đặc biệt để đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp lớn và thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này, ông Trương Xuân Sinh cho rằng, cần có quy hoạch vùng sản xuất.

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu; gắn với chuyển đổi xanh và sản xuất thực phẩm bền vững; gắn với phát thải ròng bằng 0; gắn với du lịch sinh thái… sẽ giúp nông nghiệp hữu cơ ổn định lâu dài và giảm thiểu chi phí.

Bên cạnh đó, cần số hóa hồ sơ sản xuất, kinh doanh và truy xuất nguồn gốc. Nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Tối ưu hóa, giảm chi phí chứng nhận hữu cơ bằng cách đánh giá duy trì chứng nhận thay cho chứng nhận lại cùng với việc tăng cường giám sát từ cộng đồng. Xây dựng cộng đồng sản xuất, tiêu thụ, kênh phân phối.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Đề xuất kéo dài thời gian miễn, giảm thuế cho startup Đề xuất kéo dài thời gian miễn, giảm thuế cho startup

Đại biểu Quốc hội vừa đề xuất kéo dài miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.